Nguyễn Thu Trang

Viên chức nghỉ việc có phải bồi thường chi phí đào tạo?

Chất lượng của đội ngũ viên chức là một trong những nhân tố quyết định trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Do vậy, trong những năm qua, các đơn vị sự nghiệp luôn đẩy mạnh công tác đào tạo viên chức, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

1. Luật sư tư vấn về vấn đề đào tạo viên chức

Trong tình hình đổi mới của đất nước, vấn đề nâng cao chất lượng của đội ngũ viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập là quan tâm hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế,... Với những đơn vị sự nghiệp, khi cử viên chức đi đào tạo để phục vụ công việc của cơ quan, những kiến thức mà công chức được đào tạo đóng vai trò là cơ sở, nền tảng mà không thể đáp ứng những đòi hỏi luôn đặt ra của xã hội. Vì vậy, công chức cần phải được bồi dưỡng học tập.

Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp viên chức được cử đi đào tạo sau đó không về làm việc, phục vụ, cống hiến cho đơn vị cử đi đào tạo hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với đơn vị. Vấn đề đặt ra là nghĩa vụ của viên chức khi nghỉ việc liệu có phải bồi thường khoản chi phí đào tạo mà cơ quan đã phải chi trả không?

Để được giải đáp thắc mắc trên, bạn hãy liên hệ số tổng đài 1900.6169 để đội ngũ Luật sư tư vấn trực tuyến của chúng tôi giải đáp cho bạn, hướng dẫn những quy định của pháp luật và phương hướng thực hiện.

2. Viên chức nghỉ việc có phải bồi thường chi phí đào tạo không?

CÂU HỎI TƯ VẤN: Kính chào văn phòng luật sư! Tôi là 1 bác sĩ đang làm việc tại 1 cơ quan nhà nước của tỉnh G. Tôi có ý định nghỉ việc từ lâu và đã theo dõi rất nhiều những giải đáp bổ ích mà văn phòng luật sư đã trả lời cho người lao động. Tôi xin mạn phép nhờ các luật sư giúp đỡ những việc mà bản thân đang vướng mắc.1. Năm 2004 tôi được cử đi học bác sĩ đa khoa 6 năm với cam kết làm đủ 60 tháng ( 5 năm) sẽ được trả lại bằng Đại Học do Sở Y Tế  đang lưu giữ. Các đồng môn đồng nghiệp từng học chung lớp đại học làm việc ở các tỉnh khác   đã được trả bằng sau 5 năm làm việc, riêng tỉnh  của tôi đến nay thì chưa. Như vậy họ có làm sai quy định hay không và làm sao để chúng tôi lấy được bằng bác sĩ đa khoa?2. Năm 2015, tôi đi học chuyên khoa 1 và được hỗ trợ 50 triệu đồng cho cả 2 năm học với cam kết phục vụ gấp 3 thời gian. Tháng 7/2017 tôi thi xong tốt nghiệp liền về địa phương công tác. Do nhiều bất cập trong quản lí điều hành nhân lực, chuyên môn và bản thân cũng gặp biến cố lớn trong gia đình nên tôi khá bất mãn, stress và trầm cảm. Cuối tháng 12/2018 tôi làm đơn xin nghỉ việc nhưng mãi đến tháng 3/2019 Sở Y tế trả lời do lãnh đạo bệnh viện tôi làm sai qui định (vì đã kí vào đơn đồng ý cho tôi nghỉ việc) nên lãnh đạo yêu cầu tôi viết lại đơn nghỉ việc khác nếu muốn tiếp tục nghỉ. Đầu tháng 4/2019 tôi tiếp tục nộp đơn nghỉ việc lần thứ 2 và hơn 1 tuần sau tôi nhận được văn bản trả lời của Sở với kết luận "không giải quyết vì chưa làm đủ thời gian cam kết" dù trong đơn tôi có ghi rõ: gia đình gặp khó khăn, bản thân sức khỏe cũng ko đảm bảo sau 7 lần phẫu thuật ngoại khoa (trước khi đi làm mổ 4 lần gãy 2 xương cẳng chân, trong thời gian làm việc mổ sinh 1 lần, trong thời gian đi học chuyên khoa mổ ruột thừa và abces buồng trứng), xin bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo chuyên khoa 1 theo qui định của pháp luật. Vậy xin hỏi quý luật sư, trường hợp của tôi có thể được nghỉ việc hay không? Nếu không được nghỉ mà tôi vẫn tự ý nghỉ việc tôi sẽ bị mất quyền lợi gì?Mong sớm nhận được phản hồi và xin chân thành cảm ơn.

TRẢ LỜI: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề giữ bằng đại học.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 134/2006/NĐ-CP và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định như sau:

“Hàng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Như vậy theo quy định trên thì Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền nhận bàn giao hồ sơ, bằng tốt nghiệp của người theo học chế độ cử tuyển, không có quyền giữ bằng tốt nghiệp.

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Bộ luật lao động 2012 về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

“1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

Do đó, hành vi giữ bằng của Sở y tế là hành vi không đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về vấn đề xin thôi việc và bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật viên chức về trường hợp viên chức được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, tuy nhiên trường hợp của bạn sẽ không được giải quyết thôi việc theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP do chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo hoặc khi được xét tuyển.

Về việc bồi thường chi phí đào tạo, Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định như sau:

“4. Viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:

a) Trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;

b) Viên chức hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, chứng nhận kết quả học tập;

c) Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”

Căn cứ theo quy định trên, nếu bạn chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết thì sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo.

Nếu bạn tự ý nghỉ việc thì sẽ không được đơn vị chi trả trợ cấp thôi việc và không được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp, đồng thời phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho đơn vị. Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 28 Luật viên chức quy định về việc thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc như sau:

“Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.”

Viện dẫn quy định sang Điều 43 Bộ luật lao động 2012 thì bạn phải có trách nhiệm bồi thường cho đơn vị khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trái pháp luật, bao gồm việc bồi thường nửa tháng tiền lương, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho đơn vị một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo