Nguyễn Nhàn

Vi phạm hành chính là gì? Khi nào xử phạt vi phạm hành cính?

Vi phạm hành chính là loại vi phạm pháp luật xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội. Tuy nhiên ranh giới giữa vi phạm hành chính và vi phạm pháp luật hình sự khá mong manh và không phải ai cũng có thể phân biệt được. Cùng Luật Minh Gia tìm hiểu quy định của pháp luật về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính:

1. Quy định của pháp luật về vi phạm hành chính

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Để xác định một hành vi xảy ra có phải là vi phạm hành chính hay không, cần xác định các dấu hiệu pháp lý của các yếu tố cấu thành loại vi phạm pháp luật này. Giống như bất kì loại vi phạm pháp luật nào, vi phạm hành chính được cấu thành bởi bốn yếu tố, bao gồm mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan và khách thể.

* Mặt khách quan của vi phạm hành chính

Dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của vi phạm hành chính là hành vi vi phạm hành chính – hành vi xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước và đã bị pháp luật hành chính ngăn cấm. Việc bị ngăn cấm được thể hiện rõ ràng trong các văn bản pháp luật quy định về xử phạt hành chính, theo đó, pháp luật quy định rằng những hành vi này sẽ bị xử phạt bằng các hình thức và biện pháp xử phạt hành chính cụ thể. Như vậy, khi xem xét, đánh giá hành vi của cá nhân hay tổ chức có phải là vi phạm hành chính hay không, bao giờ cũng phải có những căn cứ pháp lý rõ ràng xác định hành vi đó phỉa được pháp luật quy định là sẽ bị xử phạt hành chính.

* Mặt chủ quan của vi phạm hành chính

Dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của vi phạm hành chính là dấu hiệu lỗi của chủ thể vi phạm. Vi phạm hành chính phải là hành vi có lỗi thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Nói cách khác, người thực hiện hành vi này phải trong trạng thái có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình nhưng đã vô tình, thiếu thận trọng mà không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội (lỗi vô ý) hoặc nhận thức được điều đó nhưng vẫn cố tình thực hiện (lỗi cố ý).

Ngoài ra, ở một số trường hợp cụ thể, pháp luật còn xác định dấu hiệu mục đích là dấu hiệu bắt buộc của một số loại vi phạm hành chính. Theo đó, khi xử phạt về loại vi phạm hành chính này cần phải xác định rõ ràng hành vi của họ có thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu mục đích hay không, ngoài việc xem xét các dấu hiệu khác.

* Chủ thể của vi phạm hành chính

Chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính là các tổ chức, cá nhân có năng lực chịu trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật hành chính.

Theo khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

- Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;

- Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;

- Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

* Khách thể của vi phạm hành chính

Dấu hiệu khách thể để nhận biết về vi phạm hành chính là hành vi vi phạm này đã xâm hại đến trật tự quản lý hành chính nhà nước được pháp luật hành chính quy định và bảo vệ. Nói cách khác, vi phạm hành chính là hành vi trái với các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như quy tắc về an toàn giao thông, quy tắc về an ninh trật tự, an toàn xã hội,…

2. Quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính

Theo khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Có thể hiểu, xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, vi phạm hành chính là cơ sở để tiến hành hoạt động xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, khi cá nhân hay tổ chức có đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của 4 yếu tố cấu thành vi phạm hành chính như đã nêu tại mục 1 thì cá nhân, tổ chức đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Xử phạt hành chính được tiến hành bởi các chủ thể có thẩm quyền và theo những nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Kết quả của hoạt động xử phạt vi phạm hành chính thể hiện ở quyết định xử phạt vi phạm hành chính ghi nhận các hình thức, biện pháp xử phạt áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn