Hoài Nam

Nguyên đơn là gì theo quy định về tố tụng?

Theo quy định của pháp luật, đương sự trong tố tụng dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vậy nguyên đơn là gì? Nguyên đơn có quyền và nghĩa vụ thế nào khi tham gia tố tụng?

1. Khái niệm về nguyên đơn trong tố tụng dân sự

Theo Từ điển luật học: “nguyên đơn là người được giả thiết có quyền hoặc lợi ích hợp pháp bị vi phạm hay tranh chấp nên khởi kiện (hoặc được người khác khởi kiện, khởi tố) theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ những quyền lợi đó”. Từ khái niệm trên, có thể xác định điều kiện để trở thành nguyên đơn trong tố tụng dân sự (TTDS) thì họ phải là người được giả thiết có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Sự xâm phạm này mới chỉ dừng ở mức độ suy đoán, việc xác định quyền lợi của nguyên đơn có thực sự bị xâm phạm hay không sẽ phụ thuộc vào phán quyết cuối cùng của Tòa án.

Theo quy định của pháp luật TTDS, Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. (khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Nguyên đơn còn là cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

2. Năng lực chủ thể của nguyên đơn

Theo khoa học pháp lý, năng lực chủ thể bao gồm hai yếu tổ là năng lực hành vi và năng lực pháp luật. Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, khi chủ thể là cá nhân thì mới đặt ra yêu cầu về năng lực hành vi còn đối với chủ thể là cơ quan, tổ chức thì không có năng lực hành vi mà chỉ có năng lực pháp luật.

Năng lực pháp luật TTDS là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong TTDS do pháp luật quy định. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật TTDS như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Năng lực hành vi TTDS là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia TTDS.

Phạm vi, mức độ tham gia TTDS của nguyên đơn sẽ phụ thuộc vào khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ. Việc xác định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi phụ thuộc chủ yếu vào độ tuổi.

Nguyên đơn là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố TTDS, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

Nguyên đơn là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Nguyên đơn là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi TTDS. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS của nguyên đơn, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Đối với nguyên đơn là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi TTDS của họ được xác định theo quyết định của Tòa án và việc thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS của họ, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ được xác định theo quyết định của Tòa án.

Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS của đương sự tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

3. Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn trong tố tụng dân sự

Để đảm bảo cho nguyên đơn có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại Tòa án, pháp luật trao cho họ những quyền năng nhất định. Quyền lợi luôn đi kèm với nghĩa vụ, vì vậy bên cạnh quyền thì nguyên đơn cũng có những nghĩa vụ phải tuân theo để giúp cho quá trình giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, không gây cản trở đến hoạt động tố tụng tại Tòa án, các đương sự khác.

Nguyên đơn là đương sự nên nguyên đơn sẽ có những quyền, nghĩa vụ chung của đương sự (Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự) và những quyền, nghĩa vụ riêng của nguyên đơn (Điều 71 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Chúng tôi sẽ phân chia quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn theo từng giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Cụ thể như sau:

Giai đoạn nộp đơn khởi kiện và thụ lý vụ án:

- Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

- Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.

- Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

- Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.

- Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

- Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Giai đoạn hòa giải và chuẩn bị xét xử:

- Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.

- Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

- Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.

- Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

- Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.

- Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của đối Bộ luật Tố tụng Dân sự

- Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

- Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Giai đoạn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm:

- Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

- Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự

- Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.

- Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

- Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.

- Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.

- Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án.

- Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án;

- Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

- Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm:

- Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

- Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, nguyên đơn cần nắm rõ những quyền và nghĩa vụ của mình trong từng giai đoạn tố tụng để thực hiện một cách thiện chí, có hiệu quả, qua đó góp phần đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án được nhanh chóng, bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo