Nguyễn Thị Thùy Dương

Định giá tài sản để giải quyết tranh chấp thế nào?

Hiện nay, những tranh chấp hành chính, dân sự phát sinh trên thực tế đa phần đều xoay quanh vấn đề tài sản. Chính vì vậy, định giá tài sản đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá của tài sản tranh chấp cũng như giải quyết tranh chấp. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Luật Tố tụng hành chính 2015, định giá tài sản chỉ được tiến hành khi Tòa án ra quyết định định giá tài sản.

1. Vai trò của định giá tài sản trong giải quyết tranh chấp

Điều 97 Bộ luật này quy định về xác minh, thu thập chứng cứ như sau:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:

[…] g) Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản […]

2. Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:

[…] d) Định giá tài sản […]”

Ngoài ra, tại Điều 84 Luật Tố tụng Hành chính 2015 cũng quy định về việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ với nội dung tương tự như trên.

Có thể thấy, định giá tài sản có vai trò là một trong những biện pháp cơ bản để đương sự cũng như những người tham gia tố tụng khác xác minh, thu thập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhất là đối với những vụ án có liên quan đến tài sản, quyền tài sản.

Việc định giá tài sản chỉ được tiến hành khi Tòa án tự mình thực hiện hoặc ra quyết định định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Tòa án ra quyết định định giá tài sản trong trường hợp nào?

Khoản 1, Khoản 2 Điều 104 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về việc định giá tài sản, thẩm định giá tài sản như sau:

“1. Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp.

2. Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.”

Theo đó, khi giải quyết tranh chấp dân sự, ngoài định giá tài sản, có rất nhiều phương pháp khác nhau để xác định giá của tài sản tranh chấp như: thẩm định giá tài sản, thỏa thuận về giá tài sản giữa các bên đương sự, … Tuy nhiên, xét về bản chất, việc xác định giá tài sản tranh chấp bằng những phương pháp này không mang lại hiệu quả cao cũng như không đảm bảo tính chính xác, khách quan trong mọi trường hợp so với phương pháp định giá tài sản.

Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 104 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:

- Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự; (1)

- Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản; (2)

- Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá. (3)

Trong lĩnh vực tố tụng hành chính, theo quy định tại Điều 91 Luật Tố tụng Hành chính 2015, việc định giá tài sản khi giải quyết tranh chấp hành chính cũng được thực hiện theo những nguyên tắc tương tự với giải quyết tranh chấp dân sự nêu trên.   

3. Ai phải chịu chi phí định giá tài sản khi giải quyết tranh chấp?

Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 366 Luật Tố tụng hành chính 2015, người có nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định theo từng trường hợp cụ thể như sau:

- Yêu cầu của đương sự không được Tòa án chấp nhận: Đương sự có nghĩa vụ chịu toàn bộ chi phí định giá tài sản;

- Yêu cầu Tòa án chia tài sản chung (dân sự): Mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia;

- Tòa án ra quyết định định giá tài sản theo trường hợp (3) nêu trên:

  • Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là có căn cứ;
  • Tòa án trả chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá tài sản chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là không có căn cứ.

- Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án/ đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá tài sản: Nguyên đơn (Người khởi kiện)/ người kháng cáo chịu chi phí định giá tài sản.

Lưu ý: Chỉ áp dụng đối với trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án/ đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm với lý do được liệt kê tại Khoản 4 Điều 165 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Khoản 3 Điều 366 Luật Tố tụng hành chính 2015.

­- Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khác (theo quy định) và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá tài sản: Người yêu cầu định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo