Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về thời giờ làm việc.

Quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương.

 

Câu hỏi:

Chào Luật sư, Hiện nay mình làm cho 1 công ty nhưng nhận thấy không có sự rỏ ràng về thời gian làm việc. Do đó tôi có 1 vài tình huống xin tư vấn thêm.

 

Cụ thể:

 

1. Hiện nay mình phải làm việc 6/7 ngày trong tuần. Điều đáng nói là đây là quy định nhưng làm việc ngày thứ 7 không được trả công

 

- > Thắc mắc về điều này thì Phòng nhân sự trả lời do không hoàn thành hết việc thì phải đi làm cho hết việc mới được nghỉ. Trong khi đây là việc đưa vào lịch tuần của đơn vị, cho dù chúng tôi còn việc hay không cũng phải đi làm không công điều này có đúng pháp luật không?

 

2. Hàng ngày tôi phải làm việc cả ngày theo quy định. Tuy nhiên thời gian thường kéo rất dài có khi đến tận 22, 23h hàng ngày. Lịch cũng lên sẵn và ngày nào cũng thế khiến làm việc trong trạng thái mệt mỏi

 

- > Ý kiến thì trả lời thời gian làm việc trong ngày không xong việc thì phải làm cho xong, tuy nhiên thời gian quá giờ như thế chỉ yếu là hội họp (hội họp theo quan điểm của công ty không phải là giờ làm việc).

 

Nhờ luật sư tư vấn củng như hướng dẫn tôi phải làm sao để đảm bảo quyền lợi.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về thời giờ làm việc.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

 

Trả lời:

 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

1. Thời gian làm việc vào ngày thứ bày không trả lương có đúng quy định của pháp luật không?

 

Căn cứ theo Điều 104 bộ luật lao động năm 2012 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:

 

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

 

3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

 

Theo quy định của pháp luật thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Trong trường hợp này công ty bạn quy định bạn làm việc 6/7 ngày 1 tuần với tổng thời gian là 48 giờ tức là 6 giờ 1 tuần thì là hợp lý. Tuy nhiên, việc công ty không trả lương cho bạn vào ngày thứ 7 là không hợp lý bởi đây là thời giờ làm việc bình thường và theo quy định bạn phải được hưởng lương. Phòng nhân sự trả lời với lý do: do bạn làm không hết việc nên phải đi làm bù ngày thứ bảy là không hợp lý. Theo quy định của pháp luật không hề có một điều khoản nào về việc làm bù không lương do không hoàn thành công việc. Người sử dụng lao động phải trả lương cho NLĐ đối với những ngày họ đi làm nếu như NLĐ không hoàn thành công việc được giao trong một thời hạn nhất định thì có thể bị nhắc nhở, khiển trách…

 

2. Thời gian hội họp có được tính vào thời giờ làm việc không? 

 

Căn cứ theo Điều 3 nghị định 45/2013/NĐ – CP quy định về thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương như sau:

 

1. Nghỉ trong giờ làm việc theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

 

2. Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.

 

3. Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.

 

4. Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

 

5. Nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh.

 

6. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.

 

7. Thời giờ học tập, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.

 

8. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.

 

9. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập cán bộ công đoàn không chuyên trách theo quy định của pháp luật về công đoàn.

 

10. Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.

 

Do đó, thời gian hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý sẽ được tính vào thời gian làm việc của người lao động và được hưởng lương.

 

Trong trường hợp này của bạn đã có sự vi phạm về thời giờ làm việc của NSDLĐ. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn nên ý kiến trực tiếp lên công ty hoặc nhờ Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp đại diện, yêu cầu phía công ty tuân thủ quy định của pháp luật tiến hành trả tiền những ngày thứ bảy và những ngày hội họp, thời gian quá thời gian làm việc bình thường đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

 

Hoặc bạn có làm đơn gửi đến hoà giải viên lao động  để bảo vệ quyền lợi cho mình. Nếu vẫn không thể thương lượng, thỏa thuận được với người sử dụng lao động thì bạn có thể làm đơn kiện ra Tòa án cấp huyện nơi công ty có trụ sở về các hành vi trái pháp luật lao động của công ty.

 

Trâng trọng!

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo