Tư vấn trường hợp đơn phương li hôn do bị chồng bạo hành
Tôi đi dạy học bận việc có nhiều sổ sách nên thi thoảng tôi không về chăm con giờ trưa được, chồng tôi nói tôi không biết lo cho gia đình. Sau đó anh đi làm thuê xa nhà nhiều hơn tiền thì không gửi về cho gia đình, do tôi đã đi làm nên nhiều bạn bè hay quan tâm hỏi thăm chồng tôi bắt đầu đặt điều cho tôi từ đó, nhiều khi những tin nhắn hỏi thăm bình thường về gia đình thì chồng tôi lại biạ đặt trước mặt người khác là tôi có mối quan hệ lăng nhăng ngoài luồng. Tôi biết mình mắc bệnh tôi nói với chồng thì anh lại nói tôi đi lăng nhăng giờ mắc bệnh kêu ai, sau khi dạy hết hợp đồng tôi xin đi học tại chức bố mẹ chồng đồng ý và bảo chồng tôi đi trông con cho tôi để tôi đi học anh lại nói “có chết tao cũng không chết ở đất này mà có sống tao cũng không sống ở đất này” dần dần những lời nói như vậy càng được buông ra nhiều hơn khiến tôi đã mất dần đi niềm tin vào anh. Đến đầu năm 2015 tôi đã xin vào làm tại một công ty để mong trả xong nợ nần và lo tốt hơn cuộc sống cho con, hàng ngày tôi vất vả cuộc sống bươn chải anh không những không thông cảm mà còn gọi điện, nhắn tin chửi mắng, đặt điều cho tôi đủ thứ chuyện vì bị dày vò về tinh thần nhiều nên tôi đã không còn tình cảm với anh nữa. Cuối tháng 9/2015 do anh và bố mẹ chồng không muốn tôi đi làm nữa vì thương con không có ai đưa đón đi học nên tôi đã nghỉ việc ở công ty về nhà. Thời gian tôi về ở nhà, anh cũng không ngừng dày vò tôi,anh đòi kiểm tra điện thoại tôi thừờng xuyên, tôi vẫn cho kiểm tra nhưng có lần tôi đang dùng điện thoại để soi lấy đồ cho con anh lợi dụng nói là tôi không cho điện thoại và đã tát tôi tím mặt tôi bị chấn thương phần mềm vùng đầu và vùng mặt. Được một thời gian có bạn tôi gọi đến, tôi đang nghe điện công khai trước mặt bố mẹ chồng mà anh cũng giật điện thoại tôi rồi đánh lên đỉnh đầu tôi, không dừng lại ở đó tôi lấy điện thoại gọi cho chú bên ngoại tôi để trình bày sự việc thì anh ta lại giành điện thoại tôi và đẩy tôi ngã đập đầu xuống sàn nhà tôi đi khám kết quả là tôi bị trấn động não phải vào viện điều trị nhưng bố mẹ chồng không những bênh con trai họ mà còn phủ nhận rằng không phải con họ đánh tôi mà là do tôi tự ngã. Thời gian sau đó tôi luôn bị chồng chửi mắng tôi muốn về nhà ngoại nhưng bên ngoại sợ mất danh dự nên không đồng ý tôi không chịu đựng được nên đã bỏ nhà đi tự giải thoát cho bản thân nhưng lại bị bố mẹ đẻ ép trở về, tôi có ở lại ngủ nhà ngoại 1 hôm. Cũng chính hôm đó chồng tôi đã cho em gái con chú bên chồng đến nhà bố mẹ tôi lấy hết đồ của tôi về, khi về nhà họ đã giấu hết giấy tờ của tôi và nói là không thấy rồi đổ tội cho tôi là do tôi tự làm mất. Giấy tờ gồm có 1 bằng tốt nghiệp trung cấp + bảng điểm, 1 bằng tốt nghiệp cao đẳng + bảng điểm, 1 chứng chỉ giáo dục quốc phòng, 1 chứng chỉ giáo dục thể chất, 1 chứng chỉ tin học, 1 chứng chỉ tiếng anh, 1 bằng tốt nghiệp THCS, 1 bộ hồ sơ gốc thi bằng lái xe máy, 1 giấy khai sinh bản chính của tôi. Sau đó chồng tôi còn giữ hết cả chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe và cấm tôi dùng điện thoại, cấm tôi về ngoại. Hiện giờ tôi muốn ly hôn và muốn kiện để lấy lại giấy tờ đó mà không biết có thể không và thủ tục tôi phải làm như thế nào? Mong quý luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành Cám ơn.
Trả lời:
Chào chị, Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia. Yêu cầu của chị chúng tôi tư vấn như sau:
Tại Điều 51 luật hôn nhân và gia đình 2014 quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Căn cứ vào điều luật trên chị có quyền ly hôn theo quy định của pháp luật. Chị có quyền nộp đơn ra toà án nhân dân cấp huyện nơi chị đang sinh sống để yêu cầu toà án giải quyết ly hôn.
Ngoài ra do chỉ mình chị yêu cầu ly hôn nên chị cần chứng minh được chồng chị có hành vi bạo lực gia đình làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Theo Khoản 1 Điều 56 luật hôn nhân và gia đình 2014: "Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được".
Theo Điều 59 luật hôn nhân và gia đình 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”
Thứ nhất, nếu cả hai vợ chồng chị thoả thuận được việc chia tài sản và nuôi con thì hai bên sẽ thực hiện đúng theo nội dung thỏa thuận.
Thứ hai, nếu hai bên không thể thoả thuận được thì theo nguyên tắc sẽ chia đôi nhưng có tính tới yếu tố công sức đóng góp của mỗi người trong việc tạo lập khối tài sản chung và lỗi của mỗi bên.
Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Con chung của chị dưới 36 tháng tuổi do đó đứa trẻ sẽ do chị nuôi trừ trường hợp chị không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng.
Nếu chị không trực tiếp nuôi dưỡng đứa bé thì chị vẫn có quyền như sau. Theo Điều 82 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo đó:
"1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."
Nếu chị không được trực tiếp nuôi con thì vẫn có quyền được cấp dưỡng và thăm nom cháu bé, hành vi cản trở chị thăm nom cháu sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với hành vi bạo lực gia đình của chồng chị, chị có thể tham khảo bài viết Xử lý hành vi bạo lực gia đình như thế nào? để có hướng giải quyết đối với chồng chị. Chị làm đơn tố giác tới cơ quan công an cấp xã, UBND cấp xã hoặc trưởng thôn nơi sinh sống của chị để cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho chị.
Thứ ba, hành vi giữ giấy tờ tuỳ thân của chị
Giấy tờ này có ý nghĩa rất quan trọng với chị nhưng giấy tờ này không phải là tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng nên không thể kết án chồng chị phạm tội trộm cắp tài sản được. Hơn nữa chị không có bằng chứng chồng chị đã lấy những giấy tờ này nên chúng tôi tư vấn chị nhờ 2 bên gia đình hoà giải để chồng chị trả lại tất cả giấy tờ cho chị. Nếu hoà giải không thành chị gửi đơn tới cơ quan công an xã, phường, thị trấn để can thiệp giải quyết kịp thời.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Tư vấn trường hợp đơn phương li hôn do bị chồng bạo hành. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất