Trái phiếu Chính phủ là gì? Đặc điểm của trái phiếu Chính phủ?
Mục lục bài viết
1. Trái phiếu Chính phủ là gì?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP quy định: “Trái phiếu Chính phủ là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.”
Ngoài ra theo Khoản 10 điều 3 Luật công nợ 2017 cũng có quy định như sau:
“Trái phiếu Chính phủ là công cụ nợ do Chính phủ phát hành để huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc cơ cấu lại nợ”
Như vậy, có thể định nghĩa trái phiếu Chính phủ là một loại công cụ nợ do Chính phủ phát hành. Trái phiếu này thường được phát hành nhằm mục đích huy động nguồn vốn hay bù đắp các thâm hụt cho ngân sách nhà nước, hoặc huy động vốn cho các chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.
2. Đặc điểm của trái phiếu Chính phủ
Theo nghị định 01/2011/NĐ-CP, nghị định 95/2018/NĐ-CP trái phiếu Chính phủ có một số đặc điểm như sau:
- Về chủ thể:
+ Chủ thể tổ chức phát hành công cụ nợ của Chính phủ là Bộ Tài chính.
+ Đối với công cụ nợ của Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước, Bộ Tài chính tổ chức phát hành hoặc ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tổ chức phát hành và thực hiện các nghĩa vụ của chủ thể tổ chức phát hành theo quy định tại Nghị định 95/2018/NĐ-CP.
- Về đối tượng mua trái phiếu:
Theo Điều 7 Nghị định 11/2012/NĐ-CP, đối tượng mua trái phiếu là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Ngoài ra, tổ chức của Việt Nam không được sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp để mua trái phiếu.
- Về các điều kiện và điều khoản của trái phiếu Chính phủ:
+ Kỳ hạn: Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn chuẩn là 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm và 50 năm. Các kỳ hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong từng thời kỳ.
+ Mệnh giá phát hành: Trái phiếu Chính phủ có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.
+ Đồng tiền phát hành, thanh toán: Đồng tiền phát hành, thanh toán là đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ, đồng tiền phát hành, thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định tại Điều 22 của Nghị định 95/2018/NĐ-CP.
+ Hình thức: Trái phiếu Chính phủ được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử tùy thuộc vào phương thức phát hành.
+ Lãi suất: Trái phiếu được phát hành theo lãi suất cố định, lãi suất thả nổi hoặc lãi suất chiết khấu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước. Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.
+ Phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu Chính phủ:
Tiền lãi được thanh toán theo định kỳ 06 tháng một lần, hoặc 12 tháng một lần, hoặc thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn cùng với thanh toán gốc. Chủ thể phát hành thông báo cụ thể phương thức thanh toán lãi trái phiếu đối với từng đợt phát hành.
Tiền gốc được thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn hoặc thanh toán trước hạn theo thông báo của chủ thể phát hành đối với từng đợt phát hành.
+ Phương thức phát hành: Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu phát hành, bảo lãnh phát hành và phát hành riêng lẻ theo quy định pháp luật.
3. Lợi ích khi đầu tư trái phiếu Chính phủ
+ Đây là một kênh đầu tư khá ổn định và phù hợp cho các nhà đầu tư có vốn thấp, mong muốn nhận được thu nhập cố định hàng năm từ tiền lãi và có thể bán lại dễ dàng cho các nhà đầu tư khác.
+ Trái phiếu Chính phủ được Chính phủ bảo lãnh và phát hành trong nước bằng đồng Việt Nam. Do đó, khi muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư, các doanh nghiệp có thể phân bổ dòng tiền vào trái phiếu Chính phủ như một công cụ tương đối an toàn nhằm giảm thiểu rủi ro nếu nền kinh tế không ổn định. Đặc biệt là đối với những tổ chức tài chính có nguồn tiền lớn đòi hỏi tính an toàn trong đầu tư như các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư an toàn, quỹ hưu trí tự nguyện.
+ So với gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại, lãi suất trái phiếu của Chính phủ cũng khá hấp dẫn, rủi ro thấp hơn trong trường hợp lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm; đồng thời với cơ chế ngân hàng có thể bị phá sản.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất