Nguyễn Nhàn

Thủ tục làm căn cước công dân theo quy định pháp luật?

Khoa học công nghệ phát triển kéo theo các quan hệ trong xã hội phát triển mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị phải có sự đổi mới, tiếp thu sự tiến bộ của khoa học công nghệ để bắt kịp với xu hướng quốc tế và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Một trong những chuyển biến tích cực điển hình trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ của nước ta hiện nay đó chính là sự ra đời của thẻ căn cước công dân gắn chíp được tổ chức cấp cho nhân dân với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn có nhiều người chưa được cấp căn cước công dân gắn chíp với nhiều lý do khác nhau. Mặt khác, người dân còn nhiều e ngại khi liên hệ đến cơ quan công an để tìm hiểu và thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân.

Vì vậy, thông qua bài viết này, Luật Minh Gia hướng dẫn quý khách hàng thủ tục làm thẻ căn cước công dân dưới góc độ pháp lý như sau:

1. Căn cước công dân là gì?

Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014: “1. Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân theo quy định của Luật này.”

Trên thẻ căn cước công dân hiện tại có chứa đựng các thông tin cơ bản như: Mặt trước căn cước có: Mã QR-Code, số căn cước công dân, họ và tên, ngày sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú, ảnh, giá trị sử dụng; Mặt sau căn cước có: Đặc điểm nhận dạng, ngày tháng năm cấp căn cước, con chíp, dấu vân tay,…

Theo đó, các thông tin trên dãy số căn cước công dân là số định danh cá nhân của mỗi người. Cấu trúc của dãy số: 06 số đầu là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 06 số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.

Việc ra đời của thẻ căn cước công dân gắn chíp có ý nghĩa rất lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước về dân cư nói riêng và đối với hệ thống chính trị nói chung. Góp phần quản lý thống nhất và hiệu quả dân cư trên phạm vi toàn quốc, từ đó góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến quản lý nơi cư trú của công dân khi tiến hành bãi bỏ sử dụng sổ hộ khẩu bản giấy.

2. Thủ tục cấp thẻ căn cước công dân

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Căn cước công dân năm 2014, đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân là: “1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân.”

Như vậy, nếu bạn đáp ứng đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật và có nhu cầu được cấp thẻ căn cước công dân bạn có thể thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Thông tư số 59/2021/TT-BCA, Thông tư số 60/2021/TT-BCA như sau:

Bước 1: Chuẩn bị các giấy tờ sau đây:

  • Sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ tạm trú (nếu địa phương bạn chưa tiến hành thu hồi sổ hộ khẩu);
  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân cũ;
  • Giấy khai sinh (mang theo để đối chiếu thông tin khi cần thiết);
  • Giấy tờ chứng minh nếu có thay đổi về thông tin nhân thân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính,…

Bước 2: Công dân đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân

Công dân có nguyện vọng cấp thẻ căn cước công dân có thể trực tiếp đến cơ quan Công an nơi công dân thường trú, tạm trú để đề nghị cấp thẻ căn cước công dân hoặc lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trường hợp thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân; hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị.

Bước 3: Tiếp nhận đề nghị

Ở bước này, cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị tiến hành thu thập thông tin công dân như:

  • Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
  • Lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhận dạng;
  • Thu nhận vân tay;
  • Chụp ảnh chân dung;
  • In phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên;
  • Thu lệ phí theo quy định (hiện nay công dân không phải nộp lệ phí cấp thẻ căn cước công dân theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật Căn cước công dân năm 2014);
  • Cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.

Bước 4: Thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đã sử dụng.

Bước 5: Cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Căn cước công dân tra cứu tàng thư căn cước để xác minh công dân (nếu có).

Bước 6: Xử lý, phê duyệt hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.

Bước 7: Trả thẻ Căn cước công dân và kết quả giải quyết.

Như vậy, có thể thấy thủ tục cấp thẻ căn cước công dân hiện nay tương đối đơn giản, bạn chỉ cần xác định đúng cơ quan Công an có thẩm quyền nơi bạn đang thường trú hoặc tạm trú để thực hiện thủ tục.

Lưu ý, việc cấp thẻ căn cước công dân là cấp giấy tờ tùy thân gắn với nhân thân của mỗi người nên mỗi công dân phải tự thực hiện mà không được ủy quyền cho người khác.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo