Nguyễn Kim Quý

Thời gian đóng BHXH của người công tác trong cơ quan Nhà nước trước năm 1995

Luật sư tư vấn về cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức công tác trong cơ quan nhà nước từ trước 01/01/1995. Thời gian đi học có được tính là thời gian công tác liên tục để hưởng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức không?

Nội dung tư vấn: Nhờ trợ giúp chính sách bảo hiểm xã hội

 

Tôi nghỉ hưu trước tuổi vào 01/12/2018: Từ tháng 10 năm 1997 đến nay tôi công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh (đến 01 tháng 12 năm 2018 tôi nghỉ hưu trước tuổi hưởng chế độ theo chính sách tinh giản biên chế), thời gian hưởng lương là 21 năm 03 tháng.

 

Trước đây tôi học hệ Đại học Tại chức được hưởng chính sách tiền lương theo Quyết định số 60/QĐ, tôi được hưởng lương chính thức từ tháng 10 năm 1984 đến tháng 10 năm 1988 (thời gian hưởng lương là 04 năm), sau đó tôi nhận Quyết định của Tổ chức chính quyền tỉnh về công tác tại huyện (tại Phòng Quản lý khối nông nghiệp), nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, tôi xin chuyển công tác  (gần nhà tôi ở để tiện công tác và lo kinh tế gia đình), nhưng không được UBND xã bố trí làm việc, tôi nghỉ từ đó.

 

Tôi có làm đơn gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh để cộng nối thời gian hưởng bảo hiểm xã hội và thời gian công tác 04 năm theo Quyết định số 60/QĐ.TC.84; Bảo hiểm xã hội tỉnh không đồng ý và trả lời là tôi không công tác liên tục, theo thông tư số 13/NV ngày 19/4/1972 của Bộ Nội vụ, tôi không được tính thời gian này vào thời gian công tác để tính bảo hiểm xã hội. mong luật sư tư vấn cho tôi.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Bạn đã công tác tại Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh, như vậy, bạn thuộc đối tượng người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

 

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

 

c) Cán bộ, công chức, viên chức"

 

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động được quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội:

 

“5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”

 

Bạn không có thời gian đóng bảo hiểm trong thời gian liên tục từ 1984 đến nay nên theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bạn được tính gồm tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10 năm 1984 đến tháng 10 năm 1988 và từ tháng 10 năm 1997 đến nay.

 

Vì bạn có thời gian công tác từ 1984 đến 1988 là thời gian trước 1995 nên theo quy định tại Khoản 6 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

 

“6. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.”

 

Như vậy, vì bạn công tác trong cơ quan nhà nước nên thời gian bạn học hệ Đại học Tại chức được hưởng chính sách tiền lương theo Quyết định số 60/QĐ và được hưởng lương chính thức từ tháng 10 năm 1984 đến tháng 10 năm 1988 được tính dựa trên Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 của Bộ Nội Vụ về tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước để hưởng bảo hiểm xã hội.

 

Mục 7 phần I thông tư của bộ nội vụ số 13/NV ngày 4 tháng 9 năm 1972 hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước như sau:

 

“7. Thời gian đi học

 

a. Thời gian công nhân, viên chức được cơ quan, xí nghiệp cử đi học các lớp nghiệp vụ, chính trị, văn hoá, đi học các trường chuyên nghiệp sơ cấp, trung học, đại học trong nước hay nước ngoài đều được tính là thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác). Nếu công nhân, viên chức tự ý xin thôi việc để đi học (không được cơ quan cử đi) thì thời gian đi học không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó được tính là thời gian công tác nói chung.

 

b. Thời gian học sinh và sinh viên đi học ở các trường chuyên nghiệp sơ cấp, trung học, đại học... trước khi đi là công nhân, viên chức không được tính là thời gian công tác. Thời gian công tác chỉ được tính từ khi bắt đầu vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước.”

 

Như vậy, vì bạn không nói rõ việc đi học hệ Đại học tại chức là được cơ quan cử đi hay không nên trong trường hợp bạn được cơ quan cử đi học hệ Đại học tại chức thì thời gian đi học này được tính là thời gian công tác liên tục, được cộng nối vào thời gian công tác sau này để hưởng bảo hiểm xã hội, nếu bạn tự ý thôi việc trong thời gian đi học thì thời gian đi học không được tính là thời gian công tác và không được cộng nối. Trường hợp bạn đi học hệ Đại học Tại chức không phải do được cử đi thì thời gian đi học không được tính là thời gian công tác, thời gian công tác chỉ được tính khi bạn bắt đầu làm việc tại cơ quan nhà nước.

 

Trân trọng

Phòng tư vấn Pháp luật Lao động - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn