Lại Thị Nhật Lệ

Quyết định là gì? Thẩm quyền ban hành quyết định hành chính?

Quyết định là một trong những loại văn bản pháp luật được sử dụng rất nhiều trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước của các cơ quan nhà nước từ TW đến địa phương. Vậy quyết định được hiểu là gì và những trường hợp nào cần ban hành quyết định? Hãy tìm hiểu những vấn đề trên qua bài viết sau của Luật Minh Gia.

1. Quyết định là gì?

Quyết định là hình thức văn bản pháp luật bao gồm cả văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Là văn bản quy phạm pháp luật được dùng để ban hành các biện pháp, thể lệ cụ thể nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Quyết định là văn bản áp dụng pháp luật thường gọi là văn bản cá biệt do cơ quan và cá nhân có thẩm quyền ban hành để giải quyết công việc hàng ngày của mình.

2. Thẩm quyền ban hành quyết định

Theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2015 thì những chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trường Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước, ủy ban nhân dân các cấp, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan nhà nước khác, các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, cá nhân có thẩm quyền.

3. Các trường hợp cần ban hành quyết định

* Với tính chất là văn bản quy phạm pháp luật

Tùy theo thẩm quyền của mỗi chủ thể mà nội dung của quyết định quy phạm pháp luật cũng được ban hành để giải quyết những công việc khác nhau.

- Quyết định của Chủ tịch nước được ban hành để tổng động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn cứu vào nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được.

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành để quyết định về biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, chính quyền địa phương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ, biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ, kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước ban hành để quy định chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán.

- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương, biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.

* Với tính chất là văn bản áp dụng pháp luật

- Trong lĩnh vực tổ chức nhân sự: quyết định được sử dụng với những vấn đề có liên quan đến việc sử dụng con người trong các cơ quan, tổ chức như bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức một chức vụ nhà nước, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức của cơ quan hay tuyển dụng, điều động, thuyên chuyển, biệt phái công tác, nâng ngạch lương, chuyển ngạch lương cho cán bộ, công chức.

- Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính: các chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác nhau đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính.

- Trong lĩnh vực tố tụng: Quyết định không chỉ được các chủ thể quản lý hành chính nhà nước sử dụng để quản lý các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội mà còn được cơ quan tư pháp, sử dụng trong quá trình tiến hành tố tụng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Trong tố tụng hình sự, quyết định được cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án sử dụng để khởi tố vụ án, không khời tố vụ án, khởi tố vị can, bắt tạm giam, truy tố, đưa vụ án ra xét xử,…

- Trong lĩnh vực đất đai: quyết định được các chủ thể quản lý nhà nước về đất đai sử dụng trong các trường hợp như: quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định quy định về giá đất, thuế sử dụng đất,…

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn