Quy trình nhập khẩu hàng hóa quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nhập khẩu hàng hóa là gì?
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 28 Luật thương mại 2005 quy định về nhập khẩu hàng hóa: “Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”. Hiện nay, có các hình thức nhập khẩu như sau:
+ Nhập khẩu trực tiếp: là hình thức nhập khẩu mà bên mua và bên bán sẽ giao dịch sản phẩm và dịch vụ thông qua các tổ chức của mình, hai bên sẽ làm việc trực tiếp cùng với nhau, không hề có sự ràng buộc bởi bên trung gian.
+ Nhập khẩu ủy thác: là hình thức nhập khẩu nhờ một công ty thứ 3 chuyên về ủy thác xuất nhập khẩu đại diện cho một công ty để tổ chức, thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa nào đó về cho công ty mình (công ty ủy thác) và nhận được thù lao ủy thác.
+ Nhập khẩu theo hình thức buôn bán đối lưu: là một hình thức trao đổi giữa các mặt hàng được xác định có giá trị tương đương với nhau. Khi nhập khẩu một sản phẩm từ nước ngoài, thay vì việc phải trả tiền thì doanh nghiệp sẽ thanh toán cho đơn vị xuất khẩu bằng một lượng hàng hóa có giá trị tương đương.
+ Tạm nhập tái xuất: là hình thức mà hàng hóa nước ngoài sẽ được quá cảnh trên lãnh thổ một quốc gia trong một thời gian nhất định nhưng không đưa vào để tiêu thụ trong quốc gia đó. Sau khi làm thủ tục thông quan, hàng nhập khẩu sẽ được xuất khẩu sang một quốc gia thứ ba khác để thu lợi nhuận.
+ Nhập khẩu gia công: là hình thức mà nước nhập khẩu sẽ nhập nguyên vật liệu, máy móc và công nghệ từ nước ngoài về. Các doanh nghiệp trong nước sau đó sẽ tiến hành việc gia công hàng hóa theo đúng yêu cầu đã đặt ra. Sau khi hàng hóa được hoàn thiện sẽ được chuyển giao lại cho bên thuê gia công hoặc xuất khẩu sang một quốc gia khác theo yêu cầu của bên thuê gia công.
2. Quy định pháp luật về hàng hóa nhập khẩu
- Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra, quy định tại Điều 65 Luật quản lý ngoại thương 2017:
“1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là đối tượng phải kiểm tra bao gồm:
a) Hàng hóa phải áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch quy định tại các điều 61, 62, 63 và 64 của Luật này;
b) Hàng hóa có tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn hoặc hàng hóa có khả năng gây mất an toàn theo thông tin cảnh báo từ các tổ chức quốc tế, khu vực, nước ngoài;
c) Hàng hóa mà cơ quan có thẩm quyền phát hiện không phù hợp và phải tăng cường kiểm tra theo quy định của pháp luật.
2. Hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này được kiểm tra theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật này và do cơ quan, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định thực hiện.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành Danh mục hàng hóa là đối tượng phải kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này.”
- Trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, quy định tại Điều 5 Nghị định 69/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:
“1. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I Nghị định này.
2. Căn cứ Phụ lục I Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu kèm theo mã số hàng hóa (mã HS) trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về Danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã HS.
3. Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho phép xuất khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu; cho phép nhập khẩu hàng hóa cấm nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh.”
- Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện, quy định tại Điều 7 Nghị định 69/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:
“1. Ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện tại Phụ lục III Nghị định này.
2. Căn cứ Phụ lục III Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết hàng hóa kèm theo mã HS trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về Danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã HS.
3. Căn cứ Phụ lục III Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chi tiết về việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy định pháp luật và thực hiện việc cấp phép theo quy định.
4. Căn cứ mục tiêu điều hành trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc áp dụng Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số loại hàng hóa.”
3. Quy trình nhập khẩu hàng hóa
Bước 1: Tìm nhà cung cấp và khảo giá, đàm phán giá và lựa chọn nhà cung cấp.
Để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, cần phải có sự tìm hiểu về sản phẩm muốn nhập khẩu, đồng thời đưa ra lựa chọn về phương thức nhập khẩu. Việc tìm kiếm nguồn hàng là một bước vô cùng quan trọng. Sau khi đàm phán thành công với bên xuất khẩu, cần gửi đơn đặt hàng cho bên nhà cung cấp theo hình thức online. Trong đó, ghi rõ các nội dụng sau:
+ Thông tin đầy đủ về doanh nghiệp xuất khẩu (Tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, email, người đại diện)
+ Thông tin đầy đủ về doanh nghiệp nhập khẩu (Tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, email, người đại diện)
+ Thông tin hàng hóa (Tên hàng hóa, số lượng, điều kiện giao hàng, tổng tiền hàng, chất lượng, mẫu mã,...)
+ Điều kiện và hình thức thanh toán.
Bước 2: Ký kết hợp đồng ngoại thương
Nội dung chính của hợp đồng ngoại thương cần bao gồm các điều khoản bắt buộc sau:
1. Tên hàng hóa
2. Số lượng, khối lượng hàng hóa
3. Chất lượng hàng hóa
4. Đơn giá, tổng tiền hàng kèm theo điều kiện thương mại
5. Thời gian, địa điểm giao hàng
6. Lựa chọn đồng tiền, phương thức, thời gian thanh toán
7. Cung cấp chứng từ giao hàng
Bước 3: Đóng gói và thực hiện giao hàng hóa
Bên nhập khẩu cần theo dõi việc đóng hàng hóa, giao hàng tại cảng nào, thời gian đóng gói, chi phí đóng gói và chi phí vận chuyển bằng cách mà 2 bên đã thỏa thuận với nhau.
Bước 4: Vận chuyện hàng hóa
Dù hàng hóa có được vận chuyển bằng phương thức nào thì bên nhập khẩu cũng cần phải chú ý:
+ Thông tin của hãng vận tải (tên, địa chỉ, số điện thoại, trang web,...)
+ Lịch vận chuyển bao nhiêu chuyến/tuần
+ Thời gian vận chuyển
+ Ngày đi/ngày dự kiến sẽ đến
+ Đi trực tiếp hay chuyển tải
+ Cảng đi/cảng đến
+ Nghĩa vụ, quy trình bồi thương hàng hóa nếu xảy ra hư hỏng, mất mát
Bước 5: Thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu
Thời gian và phương thức thanh toán dựa theo hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Cần lưu ý chuẩn bị chứng từ đúng theo những gì ở trong hợp đồng đã nêu rõ. Hiện nay, phổ biến hai hình thức thanh toán: phương thức thanh toán L/C và phương thức thanh toán T/T.
Bước 6: Thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa
Quy trình làm thủ tục Hải quan nhập khẩu gồm 5 bước:
1. Khai thông tin hàng hóa nhập khẩu
2. Đăng ký tờ khai nhập khẩu
3. Kiểm tra điều kiện tờ khai
4. Phân luồng, kiểm tra, thông quan
5. Khai sửa đổi, bổ sung thông quan
Bước 7: Nhận hàng hóa nhập khẩu
Trước khi hàng về đến Việt Nam, bên nhập khẩu sẽ nhận được Giấy báo hàng đến chứa các thông tin như: thời gian, địa điểm hàng đến ở Việt Nam kèm theo yêu cầu nhận hàng. Sau đó, bên nhập khẩu cần phải mang những giấy tờ cần thiết đến hãng vận tải để nhận lệnh giao hàng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất