Quy định của Luật bảo hiểm xã hội về chế độ ốm đau
I. Điều kiện được hưởng: Điều 22 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006
- Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế.
(Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma tuý, chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ ốm đau).
- Có con dưới bảy tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con và có xác nhận của cơ sở y tế.
II. Thời gian hưởng chế độ ốm đau:
a) Bản thân ốm:
- Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng:
+ Tối đa 30 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
+ Tối đa 40 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
+ Tối đa 60 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.
- Người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại nguy hiểm (thuộc danh mục nghề do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành) hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên thì được hưởng:
+ Tối đa 40 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
+ Tối đa 50 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
+ Tối đa 70 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.
- Người lao động bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
+ Tối đa không quá 180 ngày/năm (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần), sau 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.
b) Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau đối với mỗi người cho mỗi con là:
- Tối đa 20 ngày/năm, đối với con dưới 3 tuổi;
- Tối đa 15 ngày/năm, đối với con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.
Lưu ý: Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH nếu một người đã nghỉ hết thời hạn quy định mà con vẫn ốm đau thì người kia được nghỉ tiếp theo quy định trên.
III. Mức hưởng
a/ Đối với ốm đau bình thường và chăm sóc con ốm: Mức trợ cấp bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 26 ngày, sau đó nhân với số ngày thực tế nghỉ việc trong khỏang thời gian được nghỉ theo quy định. Nếu nghỉ ốm ở tháng đầu tham gia BHXH thì lấy mức lương của chính tháng đó để tính hưởng trợ cấp.
b/ Đối với trường hợp bị bệnh dài ngày: Mức trợ cấp bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH (trong 180 ngày/năm đầu tiên). Từ ngày thứ 181 trở đi, mức hưởng cụ thể như sau:
- Bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
- Bằng 55% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
- Bằng 65% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên.
* Lưu ý: Mức hưởng trợ cấp từ ngày thứ 181 trở đi đối với bệnh dài ngày nếu thấp hơn mức tiền lương tối thiểu thì được hưởng bằng mức lương tối thiểu. Nếu nghỉ lấn sang năm mới thì mức trợ cấp được tính từ đầu, với mức hưởng 75%.
IV. Nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau:
a/ Điều kiện: Nếu sau thời gian hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
b/ Thời gian nghỉ:
- 10 ngày/năm (sau khi điều trị bệnh dài ngày).
- 7 ngày/năm (sau khi nghỉ ốm mà có phẫu thuật).
- 5 ngày/năm (các trường hợp khác).
c/ Mức hưởng:
- 25% lương tối thiểu chung/ngày (nếu nghỉ tại nhà).
- 40% lương tối thiểu chung/ngày (nếu nghỉ tập trung).
P. Tư vấn - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất