Đinh Thị Minh Nguyệt

Phương thức thanh toán là gì? Quy định các hình thức thanh toán?

Hiện nay, khi trao đổi, mua bán hàng hóa, hình thức thanh toán được thực hiện chủ yếu đó chính là sử dụng tiền mặt. Khi khoa học - công nghệ phát triển hơn, chúng ta có thêm nhiều lựa chọn khi giao dịch như thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, mã QR code,... Vậy dưới góc độ pháp lý, vấn đề này được quy định như thế nào, phương thức thanh toán là gì, có bao nhiêu hình thức thanh toán? Bạn đọc có thể cùng Luật Minh Gia tìm hiểu qua bài viết sau.

1. Phương thức thanh toán là gì? 

Để làm rõ khái niệm này, trước hết chúng ta cần hiểu khái quát về thanh toán. Theo đó, thanh toán là việc chuyển tiền, hàng hóa hoặc dịch vụ để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ khác theo một tỷ lệ hợp lý do các bên thỏa thuận, dưới sự điều chỉnh của pháp luật.

Như vậy, phương thức thanh toán có thể hiểu là những cách thức, phương pháp dùng để trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể, nói cách khác, đây là cách thức thực hiện nghĩa vụ tài sản giữa các bên. 

2. Quy định các hình thức thanh toán

Do sự phát triển của xã hội, việc thanh toán hiện nay có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến nhất có kể thể đến như trả bằng tiền mặt, séc, thanh toán qua ngân hàng, thư tín dụng, thanh toán bằng vật hay có sự thỏa thuận của các bên. 

Theo quy định pháp luật, việc thanh toán được thực hiện dưới 2 hình thức chính bao gồm: thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt. 

Thứ nhất, về thanh toán bằng tiền mặt 

Đây là hình thức thanh toán đơn giản và phổ biến nhất không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo đó, người mua sẽ sử dụng tiền tệ là phương tiện giao dịch nhằm trao đổi, thu nhận hàng hóa, dịch vụ do người bán cung cấp. Tùy từng giao dịch, bên mua có quyền yêu cầu bên bán cung cấp biên lai hợp lệ của hóa đơn. 

Hình thức này có một số ưu điểm nhất định như dễ dàng thanh toán, có thể thực hiện ở bất cứ đâu (ngoại trừ các trường hợp pháp luật quy định chỉ sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt) và bất kì ai cũng có thể sử dụng. Đó cũng là lý do hình thức này có lịch sử áp dụng lâu đời nhất. 

Tuy vậy, thanh toán bằng tiền mặt cũng có một số nhược điểm, dẫn đến việc trong xã hội hiện đại, nhiều người không còn ưa chuộng sử dụng phương pháp này nữa. Cụ thể, trong một số trường hợp, việc xuất hóa đơn thanh toán không được thực hiện đầy đủ dẫn đến thất thoát thuế của nhà nước, đôi khi, hành vi này đến từ chính thỏa thuận của các bên. Ngoài ra, việc sử dụng tiền mặt chỉ có thể thực hiện trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia sở hữu loại tiền tệ đó, hay trong các giao dịch mà đối tượng giao dịch là vật có giá trị lớn như nhà ở, đất đai, xe cộ thì việc thanh toán bằng tiền mặt sẽ gây ra nhiều bất cập, trở ngại, thậm chí việc cầm theo nhiều tiền mặt trên người cũng gây ra nguy hiểm cho chính chủ sở hữu của nó,... Vì vậy, để thuận tiện hơn trong quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, pháp luật đã đặt ra nhiều hình thức khác để thanh toán mà không cần sử dụng tiền mặt. 

Thứ hai, về thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, hình thức thanh toán trở nên vô cùng đa dạng, tiện lợi cho người dân, có những trường hợp không cần phải mang quá nhiều tiền mặt, giấy tờ, các loại thẻ,... mà chỉ cần duy nhất điện thoại di động cũng có thể thực hiện việc thanh toán. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày những hình thức phổ biến, được nhiều người tin dùng nhất trong thực tiễn, bao gồm:

  • Thanh toán sử dụng séc

Về khái niệm, khoản 1 điều 3 Thông tư 22/2015/TT-NHNN quy định: “Séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát trích một số tiền nhất định từ tài khoản thanh toán của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.”   

Hình thức này trở nên phổ biến bởi người sử dụng không cần mang theo một khoản tiền lớn, thanh toán an toàn, tiện lợi. Ngoài ra, người trả tiền có thể hủy bỏ việc thanh toán cho đến khi người nhận tiền đã xuất trình séc cho ngân hàng. Tuy vậy, nó cũng gây ra nhiều bất cập bởi thanh toán bằng séc sẽ không phù hợp với những giao dịch đơn giản phục vụ nhu cầu cá nhân thông thường, không thuận tiện cho các thương gia và cá nhân thực hiện giao dịch nhiều ngày và đôi khi có thể xảy ra gian lận. 

  • Thanh toán qua ủy nhiệm chi 

Đây là hình thức mà người thanh toán sẽ lập lệnh thanh toán theo mẫu do ngân hàng cung cấp để yêu cầu ngân hàng trích một số tiền trong tài khoản thanh toán của mình bằng với số tiền ghi trên ủy nhiệm chi để trả cho người thụ hưởng.

Một trong những ưu điểm của hình thức này là quá trình thanh toán được kiểm soát chặt chẽ bởi ngân hàng nên sẽ ít có sai sót. Ngoài ra, thủ tục thanh toán cũng đơn giản, nhanh chóng và người thụ hưởng sẽ được thanh toán trực tiếp thông qua ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình này có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp tài khoản của bên ủy quyền không đủ tiền để chi trả theo nội dung trên giấy ủy nhiệm chi, khi đó ngân hàng có quyền từ chối giao dịch. 

  • Thanh toán qua thẻ ngân hàng

Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán được tích hợp nhiều tính năng gồm chuyển tiền, rút tiền, thanh toán hóa đơn, tiết kiệm và thực hiện các giao dịch liên kết với các ứng dụng điện tử. 

Khách hàng có thể dùng thẻ ngân hàng để thanh toán khi mua hàng mà không cần dùng tiền mặt. Thẻ ngân hàng được chia làm 3 loại: thẻ trả trước, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

  • Thanh toán trực tuyến

Hình thức thanh toán trực tuyến hiện nay vô cùng đa dạng, được nhiều người ưa chuộng và trở thành xu hướng trong thời gian gần đây, trong đó có thể kể đến như: internet banking, mobile banking, ví điện tử (zalo pay, shopee pay, momo,..), mã QR code,...

Nhờ sự phát triển của công nghệ, các dịch vụ ngân hàng hoặc dịch vụ thanh toán tạo ra sự tiện lợi khi kết hợp với các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki,.., và đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân. Giờ đây, chúng ta có thể mua sắm thoải mái mà không cần di chuyển, không cần mang theo tiền mặt, chỉ cần sử dụng duy nhất chiếc điện thoại là đã có thể mua bán hàng hóa, dịch vụ. Hơn nữa, trong thời buổi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mọi người đều nâng cao tinh thần tự giác bảo vệ sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với người khác, vì vậy hình thức thanh toán trực tuyến này có thể phát triển hơn nữa trong tương lai.  

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh