Phù hiệu xe tải là gì? Thủ tục đăng ký phù hiệu xe thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phù hiệu xe tải là gì?
Phù hiệu xe tải hay còn gọi là tem xe, là một loại giấy tờ được cấp bởi Bộ Giao thông vận tải nhằm mục đích chứng minh xe được cấp phép kinh doanh vận tải. Theo quy định, kể từ tháng 07/2018, toàn bộ các phương tiện xe tải đều phải có phù hiệu xe tải khi tham gia lưu thông.
Cụ thể, đối với xe tải, khoản 6 điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định:
“6. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải phải có phù hiệu “XE TẢI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.”
Mẫu phù hiệu xe tải được áp dụng theo quy định tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, trong đó gồm những thông tin chính: số phù hiệu, đơn vị kinh doanh vận tải, biển số xe, thời hạn sử dụng và mã QR Code. Đồng thời, phù hiệu phải được dán cố định ở phía bên phải mặt trong kính trước của xe.
2. Thời hạn sử dụng phù hiệu xe tải là bao lâu?
Điểm a, khoản 2 điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã nêu rõ thời hạn có giá trị của phù hiệu xe tải như sau:
“a) Phù hiệu cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 07 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện;”
Như vậy, thời hạn tối đa của phù hiệu xe tải có thể lên đến 07 năm, tùy thuộc yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải và niên hạn sử dụng của phương tiện.
3. Thủ tục đăng ký phù hiệu xe tải như thế nào?
Trình tự, thủ tục đề nghị cấp phù hiệu được thực hiện theo khoản 4, khoản 5 điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Các giấy tờ đăng ký phù hiệu xe tải bao gồm:
- Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
- Bản sao Giấy đăng ký xe ô tô hoặc bản sao Giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký.
- Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau:
+ Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân
+ Hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã
+ Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký
Đơn vị kinh doanh vận tải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị. Doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc hình thức phù hợp khác theo quy định.
Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp phù hiệu sẽ thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
Bước 3: Nhận và trả kết quả
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho các xe theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp từ chối không cấp, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản hoặc trả lời thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Lưu ý:
- Trường hợp đã được cấp phù hiệu mà hết hạn, bị mất hoặc bị hư hỏng, khi thay đổi chủ sở hữu phương tiện hoặc thay đổi đơn vị kinh doanh vận tải, bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng có thể xin cấp lại theo thủ tục nói trên.
- Riêng trường hợp đề nghị cấp lại phù hiệu do bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng thì trong hồ sơ phải có thêm tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm là nguyên nhân bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng phù hiệu.
- Trường hợp cấp lại phù hiệu khi hết hạn, đơn vị kinh doanh vận tải được đề nghị cấp lại phù hiệu trong khoảng thời gian 15 ngày tính đến ngày hết hạn phù hiệu
4. Không gắn phù hiệu xe tải bị xử phạt như thế nào?
Trường hợp các loại xe bắt buộc phải gắn phù hiệu nhưng chủ phương tiện không thực hiện quy định này sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Mức phạt cụ thể như sau:
- Đối với người điều khiển phương tiện
Điểm d, khoản 6 điều 24 điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ
6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d) Điều khiển xe không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định (đối với loại xe có quy định phải gắn phù hiệu) hoặc có phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.”
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo điểm a, khoản 9 điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
"a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm c khoản 2; điểm b khoản 3; điểm b, điểm c khoản 4; khoản 5; điểm a, điểm b, điểm d khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”
Như vậy, cá nhân điều khiển phương tiện không có hoặc không gắn phù hiệu, phù hiệu hết giá trị sử dụng hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
- Đối với chủ phương tiện:
Không chỉ người điều khiển phương tiện vi phạm bị xử phạt, mà chủ phương tiện cũng sẽ phải chịu trách nhiệm và nộp phạt đối với hành vi sau, theo điểm h, khoản 9 điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
“Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
9. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
h) Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 7 Điều 23; điểm d khoản 6 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 7 Điều 23; điểm d khoản 6 Điều 24 Nghị định này.”
Theo đó, chủ sở hữu có phương tiện vi phạm lỗi không có hoặc không gắn phù hiệu, phù hiệu hết giá trị sử dụng hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất