Cao Thị Hiền

Nhiệm vụ của đảng viên quy định thế nào?

Đảng viên là là ai? Nhiệm vụ của đảng viên được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc về những vấn đề này. Mời bạn đọc tham khảo:

1. Đảng viên là ai?

Ở Việt Nam, Đảng viên được hiểu là người gia nhập và được kết nạp vào đồng thời sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo Điều 1 Điều lệ Đảng thì Đảng viên được quy định như sau:

Thứ nhất, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước ; có lao động, không bóc lột, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Thứ hai, Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ của Đảng và có đủ tiêu chuẩn, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thời gian chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm có thể được kết nạp vào Đảng và trở thành Đảng viên.

2. Nhiệm vụ của Đảng viên

Theo Điều 2 Điều lệ Đảng, Đảng viên có 4 nhiệm vụ sau:

Một là, Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.

Đã là Đảng viên thì cần tin tưởng và làm theo đường lối, chính sách mà Đảng đề ra, kiên trì với những quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng. Đó là vấn đề về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nền tảng là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;  Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam; không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng

Hai là, Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

Học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi người Đảng viên, đặc biệt là trong thời buổi đất nước đang chuyển sang thời kỳ phát triển mới. Bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, mỗi Đảng viên cần nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn.

Ngoài ra, Bác Hồ đã dạy: “không một phút giây nào được xa rời lý tưởng phấn đấu” và “không bao giờ buông lỏng cuộc đấu trang với chủ nghĩa cá nhân - “kẻ địch còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp hoặc thất bại, hoặc thắng lợi, để ngóc đầu dậy…” Theo lời dạy của Bác, mỗi Đảng viên phải ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, trí công, vô tư; đồng thời kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong cơ quan của Đảng, nhà nước và các tiêu cực, tệ nạn trong xã hội;cảnh giác và kiên quyết chống mọi âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, trước hết là trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ cụthể của mỗi người.

Ba là, Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước .

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, người Đảng viên cần có mối quan hệ, mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Đảng viên và nhân dân luôn là một thể gắn kết, một khối đại đoàn kết thống nhất. Lịch sử đã chứng minh qua các cuộc kháng chiến, Đảng nhờ sức dân, nhờ dân tin và ủng hộ; Đảng đưa ra chủ trương, chiến lược, dân hưởng ứng hô hào; nhờ đó mà quân dân ta kháng chiến thành công, đập tan xiềng xích của bọn thực dân.

Như Bác Hồ đã từng nói về đạo đức cách mạnh đối với đảng viên: “Đạo đức cách mạng là hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Do đó, Đảng viên cần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở. Đó chính là cách thức hiệu quả nhất để gần gũi và hiểu nhân dân. Ngoài ra, đảng viên có nhiệm vụ tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mỗi đảng viên chính là hạt nhân để tuyên truyền chính sách, cũng như là chiếc cầu nối giữa Đảng và quần chúng.

Bốn là, Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.

Có thể thấy, sinh hoạt Đảng, đóng Đảng phí là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người Đảng viên. Điều 8 Điều lệ Đảng khẳng định, khi Đảng viên bỏ sinh hoạt hoặc không đóng Đảng phí 03 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng thì có thể bị xem xét xóa tên trong danh sách Đảng viên.

Ngoài ra, khi tham gia tổ chức Đảng thì việc thực hiện, giữ gìn kỷ luật, đoàn kết thống nhất cũng là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu của Đảng viên

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn