Hoàng Tuấn Anh

Người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng có quyền lợi gì?

Hỏi: Tổ chức tôi làm việc là một tổ chức phi lợi nhuận. Mang mác là trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật nên mọi người khi vào đây đều bị lừa là của nhà nước nên người ít nhất cũng phải mất 80 triệu còn có người thì mất tới 140 triệu nhưng khi vào làm thì mới biết đó không phải của nhà nước mà là của tư nhân.

 

Khi vào thì vẫn được kí hợp đồng đầy đủ và trong quyết định là sau 6 tháng thử việc hưởng 85 % lương thì sẽ được ký hợp đồng chính thức và sẽ được đóng bảo hiểm đầy đủ. Nhưng sau khi kí hợp đồng chính thức thì tôi vẫn không được đóng bảo hiểm vì lý do từ trước giờ cơ quan này ko đóng bảo hiểm. Trong hợp đồng và quyết định thì chức vụ của tôi là kế toán phòng kinh tế nhưng mà trên thực tế thì công việc của tôi là kỹ thuật trồng nấm. Do tính chất công việc không được như trong hợp đồng nên tôi tự ý nghỉ việc. Vì vậy tôi muốn hỏi là nếu tôi căn cứ vào hợp đồng để kiện họ thì quyền lợi của tôi sẽ hưởng như thế nào và tôi cần chuẩn bị những gì để kiện họ. Thực sự tôi chỉ muốn làm sao để họ không lấy tiền của những người vô sau tôi nữa vì khi tôi nghỉ thì lại có những người không biết lại đóng tiền để vào đó. ngoài tôi ra thì còn nhiều người khác cũng đã nghỉ việc vì họ không trả lương. Vì vậy tôi mong được tư vẫn cụ thể để làm sao mọi người không phải mất tiền vào để rồi công việc ko có lương không trả cuối cùng cũng phải ra đi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, thời hạn thử việc của bạn là 6 tháng đã vượt quá thời gian theo Điều 27 Bộ luật lao động 2012. Điều 27 quy định “Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

 

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

 

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

 

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.”

 

Như vậy, thời gian thử việc tối đa chỉ là 2 tháng, thời gian thử việc của bạn tận 6 tháng đã vi phạm quy định tại Điều 27 Bộ luật lao động.

 

Thứ hai, cơ quan bạn là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Điều 4 Khoản 3 Quyết định 959/QĐ-BHXH bao gồm: “cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ. Hơn nữa, người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động là vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng lao động quy định tại Điều 6 Khoản 2 Điểm (đ) Bộ luật lao động 2012. Theo đó người sử dụng lao động có nghĩa vụ “Thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế”. Điều 19 của Luật Bảo hiểm xã hội 2016 cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động là “Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này”.

 

Dựa trên thông tin bạn đưa ra, có khả năng bạn thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, căn cứ Điều 4 Khoản 1 tiết 1.1 Quyết định số 959/QĐ-BHXH như sau:  “Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. Lý do cơ quan không đóng bảo hiểm để từ chối đóng bảo hiểm cho bạn có dấu hiệu của hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.  

 

Thứ ba, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do không được bố trí theo đúng công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 Khoản 1 Điểm a Bộ luật lao động.  Tuy nhiên, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần phải tuân thủ theo điều kiện sau đây quy định tại Điều 37 Khoản 2 Bộ luật lao động: “Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

1. Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

2. Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

3. Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”

 

Thứ tư, việc cơ quan thu tiền của người lao động mới nhận vào làm việc là vi phạm quy định tại Điều 20 Khoản 2 Bộ luật lao động. Theo đó, hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động là “yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”

 

Thứ năm, cơ quan không trả lương cho người lao động là vi phạm nguyên tắc trả lương tại Điều 96 Bộ luật lao động 2012: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”

 

Tranh chấp giữa bạn và cơ quan là tranh chấp dân sự, cụ thể là tranh chấp lao động. Theo Điều 201 Khoản 1 Điểm d, tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên, một số tranh chấp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải, trong đó có tranh chấp “Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế”. Do cơ quan bạn không đóng bảo hiểm xã hội mặc dù trước đó đã cam kết đóng và thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bạn có thể khởi kiện ra tòa án dựa trên căn cứ này.  Cần lưu ý rằng một căn cứ khác rất quan trọng mà tòa án sẽ dựa vào để giải quyết tranh chấp giữa bạn và cơ quan là hợp đồng lao động ký kết giữa hai bên. Trong một số trường hợp, bản án hoặc quyết định của tòa án sẽ thuận theo sự thỏa thuận của các bên đã được ghi nhận trong hợp đồng. Vì vậy bạn nên xem xét kỹ nội dung của hợp đồng lao động bạn đã ký với cơ quan.

 

Theo Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án là:  

 

“1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.

 

2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.

 

3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

 

4. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.

 

5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.

 

6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

 

7. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.

 

8. Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.

 

9. Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

 

10. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.

 

11. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

 

12. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

 

13. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

 

14. Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”

 

Tranh chấp giữa bạn và cơ quan thuộc Khoản 3 Điều 26 nêu trên.

 

Về cấp tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện, căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 35 Khoản 1 Điểm a quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau: “1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây: a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại Khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này”

 

Hơn nữa, Điều 36 Khoản 1 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định thẩm quyền của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện là: “1. Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.”. Như vậy, cấp tiếp nhận đơn khởi kiện của bạn trong trường hợp của bạn là Tòa dân sự thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện (tương đương với Tòa án nhân dân cấp quận)  

 

Về nơi tiếp nhận đơn khởi kiện Điều 39 Khoản 1 Điểm a Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

 

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

 

2. Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”

 

Ngoài ra, Điểm v Điều này còn quy định “Tòa án nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể có thẩm quyền giải quyết tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đó vô hiệu”. Như vậy bạn có thể khởi kiện ra tòa án nơi cơ quan bạn đặt trụ sở hoặc trong trường hợp bạn muốn tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là tòa án nơi bạn giao kết/thực hiện hợp đồng lao động.

 

Tóm lại, Tòa dân sự thuộc Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi cơ quan bạn đặt trụ sở hoặc nơi bạn giao kết/thực hiện hợp đồng lao động sẽ là nơi tiếp nhận đơn khởi kiện của bạn.

 

Về hồ sơ khởi kiện, bao gồm:

 

+  Đơn khởi kiện (theo mẫu)

 

+ Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, sổ hộ khẩu gia đình có sao y bản chính của bạn

 

+ Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động như hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng,…

 

+ Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao)

 

Về thủ tục thụ lý và thời hạn giải quyết, sau khi nhận hồ sơ khởi kiện, Tòa án sẽ thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Tuy nhiên, theo Điều 11 Khoản 2 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 quy định các trường hợp miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí bao gồm: “Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng có quyền lợi gì?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Chu Hoàng Hải - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo