Phạm Diệu

Người lao động là gì? Quy định về người lao động thế nào?

Người lao động là bộ phận có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, mỗi quốc gia đều đưa ra các chính sách pháp luật thể hiện sự quan tâm toàn diện đến các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động nói chung và người lao động nói riêng.

Ở nước ta, từ năm 1994 Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động đầu tiên, trải qua nhiều lần sửa đổi bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 đến Bộ Luật lao động 2012 nhìn chung các quy định đã hoàn thiện nhằm đáp ứng và điều chỉnh các quan hệ lao động phát sinh.

Đặc biệt đến Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 được đánh giá là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, có tính khái quát cao, tổng hợp các vấn đề quan trọng nhất về quan hệ lao động, đặc biệt liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động. Điều này, được quy định cụ thể như sau:

1. Người lao động là gì? Độ tuổi của người lao động

- Định nghĩa người lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Bộ luật lao động 2019 thì về người lao động thì: Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

- Độ tuổi của người lao động

Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ một số trường hợp liên quan đến người lao động chưa thành niên. Độ tuổi 15 được quy định trên cơ sở dữ liệu khoa học và thực tiễn về mặt hình thức năng lực của cá nhân, đồng thời được đánh giá phù hợp tại độ tuổi này người lao động có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động và được trả lương.

2. Quyền của người lao động

Về quyền của người lao động được quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019, theo đó người lao động được quy định có 06 nhóm quyền cơ bản bao gồm:

- Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

- Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

- Đình công.

Ngoài 06 nhóm quyền cơ bản nêu trên, người lao động còn có một số quyền khác theo quy định pháp luật. Các quyền nêu trên mang tính chất khái quát, được triển khai và cụ thể hóa trong các điều luật khác của Bộ luật lao động. Như vậy, đối với người lao động thì quyền về làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp được coi là quyền quan trọng nhất, kế tiếp đó là đến quyền được hưởng lương, tham gia các tổ chức tại doanh nghiệp.

Liên quan đến nhóm quyền về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc đình công thì nhóm quyền này không mang tính chất tự do tuyệt đối, việc thực hiện nhóm quyền này người lao động phải tuân theo các quy định pháp luật cụ thể, nếu thực hiện mà trái quy định pháp luật hoặc gây hậu quả thì người lao động có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường hoặc các trách nhiệm khác theo quy định.

3. Nghĩa vụ của người lao động

Tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật lao động 2019 ghi nhận 03 nhóm nghĩa vụ cơ bản của người lao động như sau:

- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác. Trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động thì hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể là hai thỏa thuận quan trọng nhất, ghi nhận rõ quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Việc thực hiện đúng hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể không chỉ thể hiện sự tôn trọng giữa các bên trong quan hệ lao động mà còn là yếu tố quyết định đảm bảo hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp.

- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Mỗi doanh nghiệp để vận hành một cách hiệu quả, quy củ thì người lao động phải có trách nhiệm chấp hành đầy đủ kỷ luật lao động, nội quy lao động mà người sử dụng lao động ban hành, thực hiện theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo, xây dựng hệ thống quản lý lao động của doanh nghiệp được bền vững.  

- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động. Nhóm nghĩa vụ này yêu cầu người lao động tuân thủ, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm xã hội, pháp luật bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quy định về an toàn, vệ sinh lao động như liên quan đến các hoạt động khai báo, đóng tiền bảo hiểm, giám định, hoạt động an toàn tại nơi làm việc và các hoạt động khác có liên quan.

Trên đây là bài viết của Luật Minh Gia về quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến Luật Minh Gia để được hỗ trợ giải đáp.

---

4. Tư vấn về trách nhiệm của người lao động

- Trách nhiệm bồi thường của người lao động quy định thế nào?

Câu hỏi:

Chào luật sư, Luật sư cho em hỏi: Em làm thủ kho ở công ty A, khi e nộp đơn xin nghỉ thì e kiểm kê kho để bàn giao cho thủ kho mới. Em bắt đầu nghỉ là ngày 1/9/202x còn ngày kiểm kê là ngày 15/8/20xx lúc này số liệu chênh lệch không nhiều nhưng cty A không đồng ý và bắt kiểm kê lại vào ngày 28,29/8/202x.

Đến ngày em nghỉ rồi vẫn chưa thấy công ty kêu em ký biên bản bàn giao công việc, nay em xin việc ở công ty khác rồi thì công ty A mới kêu e về ký BB. Em thấy biên bàn chênh lệch quá trời nên e sợ cty bắt em bồi thường vì công ty bắt em bồi thường mấy lần rồi vì kiểm kê bị chênh lệch. (khoảng 20tr rồi) mà em làm ở đó được mới 3 năm thôi. Ở công ty A này vị trí thủ kho biến động nhiều vì kho bãi không an toàn. Mà kho cty A giao cho em rất lộn xộn từ xưa đến nay rồi cứ kiểm kê là có chênh lệch. Kho thì là kho 70% là kho mở, 30% là kho đóng, công việc thì nhiều nhân sự thì ít (lúc đầu 3 người sau này 1/2/20xx thì giảm xuống còn 2 người).

Thời gian em làm kéo dài TB ngày khoảng 12 tiếng. việc nhiều áp lực nên nhiều khi cũng có sai sót. Khi em vào làm thì công ty giữ bằng cấp bản gốc của e, khi em nghỉ thì công ty giam lương của em vì chênh lệch khi kiểm kê. Mong luật sư giúp em tìm hướng giải quyết, nghe đền là em sợ lắm vì em chỉ là người đi làm công ăn lương thôi không có tiền để đền.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi đưa ra tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Quy định về bồi thường thiệt hại trong lao động

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật lao động và Điều 32 Nghị định 05/2015/NĐ-CP về bồi thường thiệt hại như sau:

"Bồi thường thiệt hại

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Về căn cứ xử lý bồi thường thiệt hại vật chất

Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó, NLĐ có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các yếu tố sau: 

- Có hành vi vi phạm kỷ luật lao động: là hành vi của người lao động vi phạm các nghĩa vụ phải thực hiện được quy định trong nội quy lao động. Trường hợp giữa các bên có hợp đồng trách nhiệm thì sự vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng trách nhiệm cũng là căn cứ để bồi thường. Các hành vi vi phạm có thể là: Làm mất dụng cụ, thiết bị, làm mất các tài sản khác do doanh nghiệp giao; hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép; Làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp.

- Có thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động: đó là những thiệt hại trực tiếp do hành vi vi phạm kỷ luật.

- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm kỷ luật và thiệt hại tài sản.

- Có lỗi của người vi phạm.

Trong trường hợp của bạn để phát sinh trách nhiệm bồi thường của bạn thì cần phải xem xét:

-  Trong nội quy công ty có quy định về các hành vi vi phạm kỷ luật và việc kiểm kê sai sót gây chênh lệch có thuộc một trong các hành vi vi phạm không.

- Việc chệnh lệch khi kiểm kê có phải do hành vi vi phạm của bạn không.

Nếu hành vi vi phạm của bạn là một trong các hành vi do nội quy công ty quy định và hành vi của bạn gây ra việc mất mát, chênh lệch thì bạn có trách nhiệm bồi thường.

Về mức bồi thường thiệt hại của người lao động

Phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động, cụ thể:

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này”.

Như vậy, trong trường hợp người lao động có lỗi gây thiệt hại đến tài sản của người sử dụng lao động thì tùy theo mức độ lỗi phải bồi thường theo quy định nêu trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo