Nguyễn Nhàn

Đình công là gì theo quy định pháp luật?

Đình công là khái niệm được sử dụng trong quan hệ lao động. Việc đình công xuất phát từ phía người lao động khi người lao động cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng hoặc do người sử dụng lao động có những hành vi vi phạm dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Việc thực hiện đình công sẽ dẫn đến những hậu quả nhất định mà người lao động hoặc người sử dụng lao động cần nắm được để có phương án xử lý hợp lý nếu có tình trạng đình công xảy ra.

1. Đình công là gì?

Điều 198 Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ năm 2019) định nghĩa cụ thể về đình công như sau:

“Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.”.

Có thể hiểu rằng, đình công là việc người lao động ngừng làm việc tạm thời, tự nguyện và có sự tổ chức nhằm đạt được yêu cầu nào đó thông thường như tiền lương – thưởng, giờ giấc, điều kiện làm việc, v.v. Đây là một trong những biện pháp giúp người lao động gây áp lực lớn đến người sử dụng lao động để đòi hỏi quyền lợi và mong muốn có sự thay về chính sách từ phía người sử dụng lao động.

2. Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về đình công

Căn cứ vào pháp luật về lao động của Việt Nam chúng ta có thể chia đình công thành 2 loại gồm: Đình công hợp pháp và đình công bất hợp pháp. Đình công hợp pháp là những cuộc đình công được tiến hành theo đúng các trình tự quy định của pháp luật. Còn đình công bất hợp pháp là những cuộc đình công thiếu hoặc không tuân thủ các điều kiện luật định. Như vậy, tính hợp pháp của đình công chỉ được xét chủ yếu dưới góc độ thủ tục tiến hành đình công mà không xét về nội dung của các yêu sách trong đình công.

- Đình công hợp pháp

Theo quy định tại Điều 199 BLLĐ năm 2019, người lao động có quyền tiến hành tổ chức đình công trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải

Thứ hai, Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Như vậy, trước khi đình công để yêu cầu người sử dụng lao động đáp ứng một điều kiện nào đó thì các bên phải tổ chức hòa giải ở cở sở để giải quyết tranh chấp lao động. Phía người lao động cần phải có tổ chức đứng ra đại diện cho mình để giải quyết tranh chấp. Trường hợp hòa giải không thành hoặc Ban trọng tài lao động không giải quyết tranh chấp được thì người lao động được tổ chức đình công.

Tuy nhiên, vì các cuộc đình công, nhất là cuộc đình công lớn, dài ngày, thường gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quốc gia dân tộc. Cho nên, pháp luật không cho phép đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe, tính mạng của con người. Ví dụ như sân bay, bến cảng, nơi sản xuất truyền tải hệ thống điện, nhà máy nước, .v.v.

- Đình công bất hợp pháp

Bộ luật lao động năm 2019 quy định rõ về các trường hợp đình công bất hợp pháp như sau:

Điều 204. Trường hợp đình công bất hợp pháp

“1. Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.

2. Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

3. Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.

4. Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.

5. Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.

6. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này.”

Theo quy định trên, để thực hiện đình công một cách hợp pháp thì cần đáp ứng tất cả các điều kiện sau:

+ Phải thuộc các trường hợp được phép đình công;

+ Phải có tổ chức đại diện người lao động đứng ra lãnh đạo đình công;

+ Phải tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục tiến hành

+ Không được đình công nơi sử dụng lao động không được đình công

+ Không thuộc trường hợp có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công từ các cơ quan có thẩm quyền.

- Xử lý vi phạm đình công

Trong trường hợp người lao động tổ chức đình công không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được thông báo về cuộc đình công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chủ trì, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động phối hợp với công đoàn cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và đại diện ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để lắng nghe ý kiến, hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.

Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì lập biên bản, tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Điều 217 BLLĐ năm 2019 quy định về xử lý vi phạm về đình công như sau:

“1. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Bộ luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Khi đã có quyết định của Tòa án về cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc; nếu người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Người lợi dụng đình công gây mất trật tự, an toàn công cộng, làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; người có hành vi cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm về đình công của các cá nhân, tổ chức mà có thể có các hình thức xử lý khác nhau. Ngoài ra, nếu việc đình công trái pháp luật đó gây ra thiệt hại thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường.

3. Trình tự thực hiện đình công

Đình công hợp pháp phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của BLLĐ năm 2019 bao gồm các bước sau:

Bước 1: Lấy ý kiến về đình công

Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động. Việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.

Bước 2: Ra quyết định đình công và thông báo đình công

Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công thì tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản.

Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công để thông báo cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bước 3: Tiến hành đình công

Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

4. Quyền lợi của người lao động trong trường hợp đình công

Điều 207 BLLĐ năm 2019 đã nêu rất rõ các quyền lợi hợp pháp của người lao động trong thời gian đình công như sau:

“1. Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật này và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”.

Như vậy, trong những ngày đình công, người lao động sẽ không được thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ việc này, đồng thời cũng không được hưởng các quyền lợi khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Đối với trường hợp người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được doanh nghiệp trả lương ngừng việc theo mức thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Kể từ ngày 01/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng thêm bình quân 6% so với quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc

Mức lương tối thiểu vùng tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP

(Áp dụng đến hết 30/6/2022)

Mức lương tối thiểu vùng tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP

(Áp dụng từ 01/7/2022)

Mức tăng

Vùng I

4.420.000

4.680.000

260.000

Vùng II

3.920.000

4.160.000

240.000

Vùng III

3.430.000

3.640.000

210.000

Vùng IV

3.070.000

3.250.000

180.000

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo