Trần Phương Hà

Có nên nghỉ hưu sớm hay không?

Hiện nay, nhu cầu nghỉ hưu sớm ngày càng gia tăng, việc nghỉ hưu sớm cũng đặt ra nhiều băn khoăn cho người lao động, liệu rằng việc nghỉ hưu sớm có lợi hay không, trường hợp nào được nghỉ hưu sớm và mức hưởng lương hưu khi nghỉ sớm là bao nhiêu? Trong phạm vi bài viết này Luật Minh Gia sẽ cung cấp đầy đủ các nội dung trên.

1. Thế nào là nghỉ hưu sớm?

Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định về tăng độ tuổi hưởng lương hưu của người lao động, cụ thể tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 quy định:

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

 Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.”

Như vậy, nghỉ hưu sớm là trường hợp người lao động nghỉ trước độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Điều kiện để được nghỉ hưu sớm

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật lao động 2019 quy định:

“Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;

b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.”.

Đối với những trường hợp muốn nghỉ hưu trước tuổi so với quy định thì tùy vào thời điểm người lao động muốn nghỉ hưu, tùy vào độ tuổi để xác định điều kiện suy giảm khả năng lao động tương ứng.

3. Mức hưởng và trình tự, thủ tục hưởng lương hưu

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 người lao động có đủ điều kiện về số năm tham gia BHXH và độ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật. 

Mức hưởng lương hưu được tính như sau: 

Mức lương hưu hàng tháng = [Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu] x [Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH]

Trong đó tỉ lệ lương hưu được tính căn cứ vào số năm tham gia BHXH.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi Điều 219 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động bị suy giảm khả năng lao động được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động bị suy giảm khả năng lao động được tính như quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Ngoài ra NLĐ nghỉ hưu do bị suy giảm khả năng lao động còn được cấp thẻ BHYT theo quy định. Các quyền lợi về thăm khám, chữa và điều trị bệnh BHYT được đảm bảo như đối với trường hợp về hưu đúng độ tuổi.

Hồ sơ cần thiết để được hưởng lương hưu trước tuổi:

Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ hưởng lương hưu như sau:

- Sổ bảo hiểm xã hội;

- Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo