Nghĩa vụ trả nợ của bên vay và quy định về lãi suất vay?
Trong hơn 1 năm làm ăn tôi vẫn trả lãi đầy đủ vì công việc thuận lợi, nhưng 2 năm gần đây công việc của tôi bị đổ bể, số tiền gốc vay làm ăn mất hết. Để giữ uy tín với người cho vay và để chờ cơ hội làm lại để trả nợ, tôi đã đi vay của 1 số người khác tiền hàng tháng với lãi suất cũng như vậy để trả lãi cho bên vay đầu. Cứ thế, do công việc làm ăn không được tốt đẹp nhưng hàng tháng vẫn phải trả lãi đều đặn, nên giờ đây tôi đã nợ số tiền đến trên 20 tỷ (vì hàng tháng trả lãi cao đến 1 tỷ). Nay tôi cảm thấy suy sụp quá, tôi muốn chết đi cho rảnh nợ nhưng sợ chết đi rồi vợ con tôi sẽ khổ, sẽ vẫn phải trả nợ. Công ty luật hãy giúp tôi tư vấn về vấn đề này luôn không? Tôi xin trân thành cảm ơn!
>> Tư vấn thắc mắc về vay nợ dân sự, gọi 19006169
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Cụ thể:
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đồng thời, quy định về lãi suất vay:
Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thời điểm hết hạn vay được ghi nhận trên giấy tờ vay thì bạn sẽ phải có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền gốc + lãi + tiền lãi trên nợ gốc do quá hạn thực hiện. Tuy nhiên, do thời điểm hiện tại bạn không có khả năng để thanh toán (theo như bạn nói vì lãi quá cao) thì trước tiên hướng giải quyết là bạn có thể liên hệ với chủ nợ (bên cho vay) để thỏa thuận về kéo dài thời gian trả nợ, giảm mức lãi suất. Trường hợp đã thỏa thuận nhưng không được chấp nhận và bạn xác định được lãi suất vay mà hai bên thỏa thuận vượt quá lãi suất của nhà nước cho phép là không quá 20%/năm (vì bạn không nói tổng số tiền vay và lãi suất vay nên không tính cho bạn lãi suất có vượt quá hay không) thì để đảm bảo quyền lợi không phải thanh toán đối với lãi quá cao đó, bạn có quyền làm đơn khởi kiện ra Tòa yêu cầu áp dụng lãi suất của nhà nước.
Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất