Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ gì?
Nội dung câu hỏi:
Tôi làm việc cho Công ty A tại Hà Nội chính thức từ tháng 2/2011 và đã được ký hợp đồng không thời hạn. Đến đầu năm 2016, Công ty A chuyển đổi cơ chế hoạt động sang cơ chế khoán, theo đó sẽ có một số điều khoản mới như cách tính lương và doanh thu mới không đảm bảo thu nhập như cũ; giao chỉ tiêu buộc nhân viên phải tìm hợp đồng về cho công ty, nếu không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị trừ lương... Tôi không thấy thoải mái với cơ chế hoạt động mới này nên đã chủ động làm đơn xin nghỉ việc từ ngày 26/02/2016. Tôi đã bàn giao lại công việc theo đúng quy định của Công ty A. Tuy nhiên đến ngày 14/03/2016, dù chưa đủ 45 ngày kể từ ngày tôi nộp đơn xin nghỉ việc, tôi đã chính thức nghỉ việc tại Công ty A, nhưng Giám đốc Công ty A không đồng ý cho tôi nghỉ việc và không giải quyết chuyện xin nghỉ việc của tôi. Do vậy tôi muốn hỏi: 1. Tôi sẽ có thể bị phạt những khoản phạt nào theo quy định của pháp luật hiện hành? 2. Đã có nhiều trường hợp nghỉ việc giống như tôi trước đây tại Công ty A, GĐ không thanh toán sổ Bảo hiểm và không cho nhân viên rút sổ BH ra. Như vậy có đúng không? Tôi phải làm thế nào để có thể rút được sổ BH ra? 3. Trong trường hợp GĐ công ty A không cho tôi rút sổ BH ra, tôi nên đóng tiếp BH theo sổ BH đã có tại Công ty A hay làm sổ BH mới? Trân trọng cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012 quy định người lao động làm theo hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và phải báo trước cho người sử dụng lao động 45 ngày. Trường hợp của bạn, bạn kí hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và chưa hết thời hạn 45 ngày bạn đã nghỉ việc nên bạn đã chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật do không tuân thủ về thời gian báo trước.
- Nghĩa vụ của NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.
Điều 43 Bộ luật lao động năm 2012 quy định Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Theo đó, khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì bạn không được hưởng trợ cấp thôi việc, bồi thường ½ tháng lương theo hợp đồng lao động ; bồi thường số tiền tương ứng với số ngày không tuân thủ thời hạn báo trước và phải hoàn trả chi phí đào tạo.
- Nghĩa vụ chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động
Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
“…2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
Theo đó, sau 7 ngày chấm dứt hợp đồng lao động (trường hợp đặc biệt là 30 ngày) thì công ty phải thực hiện thanh toán các khoản lương; chốt sổ và trả sổ cho bạn. Trường hợp giám đốc không chốt và trả sổ BHXH trong thời gian luật định là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có quyền yêu cầu phía giám đốc thực hiện đúng trách nhiệm của mình, hoặc gửi đơn tới cơ quan có thẩm quyền (phòng lao động, thương binh và xã hội hoặc công đoàn cấp trên, ...) để xác minh và giải quyết.
Lưu ý: Nghĩa vụ bồi thường khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật và trách nhiệm chốt và trả sổ BHXH là hai nghĩa vụ riêng biệt của hai chủ thể khác nhau. Như vậy, không thể lấy lý do NLĐ chấm dứt trái luật mà GĐ giữ sổ BHXH gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của bạn. Bạn có thể trao đổi trực tiếp với giám đốc về trách nhiệm của mình và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ bồi thường (hành vi trái quy định của pháp luật phải được khắc phục kịp thời); đồng thời yêu cầu GĐ thực hiện đúng trách nhiệm chốt và trả sổ BHXH.
Trong thời gian chưa giải quyết triệt để tranh chấp, nếu bạn làm việc tại công ty mới thì tạm thời cung cấp số sổ BHXH để tiếp tục đóng các loại bảo hiểm (mỗi cá nhân chỉ được cấp một số sổ BHXH). Sau khi giải quyết tranh chấp xong, bạn có thể bổ sung sổ BHXH vào hồ sơ để bảo đảm quyền lợi tối đa.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất