Luật sư Phùng Gái

Nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn?

Câu hỏi tư vấn: Tôi và chồng tôi đã ly hôn, tôi được quyền nuôi con còn chồng tôi thì được thăm nom con. Nhưng chồng tôi thường xuyên đón con tôi, mỗi khi đón đều gọi điện thông báo cho tôi. Thấy đón con tôi nhiều quá, nên tôi đã không đồng ý cho đón.

 

Tôi và chồng tôi đã ly hôn, tôi được quyền nuôi con còn chồng tôi thì được thăm nom con. Nhưng chồng tôi thường xuyên đón con tôi, mỗi khi đón đều gọi điện thông báo cho tôi. Thấy đón con tôi nhiều quá, nên tôi đã không đồng ý cho đón. Thì chông cũ tôi nói là tôi không được ngăn cấm. Và còn dùng những lời lẽ xúc phạm tôi, xúc phạm đến thân thể tôi, tuy được công an dằn đe theo đơn đề nghị của tôi nhưng chồng tôi vẫn xúc phạm. Gần đây chồng cũ tôi còn đón con tôi khi không cần sự đồng ý của tôi. Tôi thấy rất ảnh hưởng đến việc chăm sóc của tôi. Tôi có hỏi tòa thì tòa án chỉ hỏi tôi qua loa và bảo tôi tránh mặt đi cho đỡ khổ. Xin hỏi tôi phải làm thế nào, đến gặp ai để giải quyết việc hạn chế này ạ. 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì giữa hai vợ, chồng đã giải quyết xong thủ tục ly hôn và bạn được Tòa án giao quyền trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc con và chồng bạn thì vẫn có quyền thăm nom chăm sóc con. Tuy nhiên, việc chồng bạn lạm dụng quyền thăm nom để nhằm cản trở đến tới việc trông nom, chăm sóc con của bạn thì áp dụng quy định pháp luật sau để giải quyết. Cụ thể, Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

 

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

 

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

 

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

 

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

 

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

 

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

Như vậy, trong trường hợp bạn có căn cứ để chứng minh rằng việc chồng cũ thường xuyên đón con - lạm dụng quyền thăm nom của mình để gây cản trở và ảnh hưởng xấu tới việc trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con (thường xuyên có những lời lẽ nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn khi bị từ chối thăm con...) thì bạn có thể làm đơn gửi Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con của chồng cũ bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn