Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Nghỉ hưu sớm theo Nghị định 108 hay Luật BHXH 2014 có lợi hơn?

Luật sư tư vấn về trường hợp nghỉ hưu trước tuổi theo luật bảo hiểm xã hội 2014 và nghị định 108/2014/NĐ-CP


Nội dung đề nghị tư vấn:

Vợ tôi sinh năm 1963 là giáo viên đứng lớp, tính đến nay đã được 34 năm. Quá trình đóng BHXH đã trên 20 năm, nay vẫn còn đang đứng lớp. Xin luật sư giải đáp giúp những thắc mắc sau :
- Sang năm vợ tôi muốn xin nghỉ hưu trước tuổi được hưu 1 năm thì có phải ra hội đồng giám định y khoa không?
- Nghỉ trước tuổi quy định thì có được hưởng đầy đủ quyền lợi về chế độ hưu trí hay không?
- Đơn từ xin nghỉ hưu trước tuổi phải xin ở đâu và nộp cho trường hay cho phòng giáo dục sở tại.
- Do nghe hiệu trưởng nói vợ tôi nằm trong nhóm sẽ bị tinh giảm biên chế (mặc dù từ khi dạy học đến nay chưa hề bị bất cứ hình thức khiển trách hay kỷ luật gì hết ), như vậy có bị ảnh hưởng đến chế độ lương hưu hay không?
- Xin hưu trí trước tuổi có giống tinh giảm biên chế không?

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như thông tin anh cung cấp thì thời điểm 2015 vợ anh 52 tuổi; đã đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm và hiện vẫn còn đang công tác.

Thứ nhất, năm 2016 sẽ áp dụng theo luật bảo hiễm xã hội 2014 khi này vợ anh mới 53 tuổi không đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 54:

“Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”.


Do đó, muốn nghỉ hưu luôn vợ anh phải làm thủ tục giám định sức khỏe và có mức độ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo quy định tại điều 55 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và bị giảm trừ 4% cho 2 năm nghỉ hưu trước tuổi. Nếu không giám định thì vợ anh có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH đợi đến khi đủ 55 tuổi để hưởng lương hưu khi này sẽ không bị giảm trừ lương hưu.

Thứ hai, đơn xin giám định sức khỏe nộp tại trường nơi vợ anh đang công tác còn về thủ tục hưởng lương thì sẽ thực hiện tại cơ quan bảo hiểm xã hội. Vấn đề này anh có thể tham khảo trong bài viết sau: "Thủ tục nghỉ hưu trước tuổi".

Thứ ba, nếu thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định tại điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP thì chế độ vợ anh được hưởng quy định như sau:

“4. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”.

Do đó, nếu thuộc đối tượng áp dụng chính sách tinh giản biên chế theo điều 6 nghị định 108/2014/NĐ-CP mặc dù vợ anh không tiếp công tác nhưng do đó vợ anh sẽ được nghỉ hưu ngay và không bị giảm trừ phần trăm lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi (xét về mặt lương hưu vợ anh sẽ có lợi hơn so với nghỉ hưu theo luật bảo hiểm xã hội 2014).

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nghỉ hưu sớm theo Nghị định 108 hay Luật BHXH 2014 có lợi hơn?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!     
Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn