Nguyễn Nhàn

Nghị định là gì? Vai trì của NĐ trong hệ thống pháp luật?

Khi nói đến các văn bản quy phạm pháp luật bạn thường nghe thấy những cụm từ như: Hiến pháp, Luật, quyết định, nghị định,…nhưng bạn lại không hiểu ý nghĩa của những từ này. Trong bài viết này, Luật Minh Gia sẽ chia sẻ cho bạn đọc một số thông tin để hiểu Nghị định là gì, cơ quan nào có thẩm quyền ban hành Nghị định và vai trò của Nghị định trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

1. Nghị định là gì?

Nghị định là một trong những loại văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chủ thể có thẩm quyền ban hành là Chính phủ, ban hành ra để giải thích, hướng dẫn luật hoặc những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội mà chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh. Đồng thời, Nghị định còn quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân theo nội dụng của Hiến pháp và Luật.

Nghị định của Chính phủ có giá trị pháp lý thấp hơn so với Hiến pháp, luật và pháp lệnh, nhưng có giá trị pháp lý cao hơn so với những văn bản quy phạm pháp luật khác do cơ quan nhà nước từ cấp Bộ đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành.

2. Thẩm quyền ban hành Nghị định?

Theo quy định tại Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Chính phủ là cơ quan duy nhất có quyền ban hành ra Nghị định. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất ở nước ta, trực tiếp quyền hành pháp, dưới Chính phủ còn có các bộ và cơ quan ngang bộ. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ thì có thể thấy Chính phủ là cơ quan duy nhất có quyền ban hành Nghị định.

3. Nghị định quy định về những nội dung gì?

Nghị định được Chính phủ ban hành để quy định các vấn đề tại Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020, như sau:

- Quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

- Quy định các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

- Quy định các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ; - Quy định những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên;

- Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

- Quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Nghị định có hiệu lực khi nào?

Theo quy định tại Điều 151 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020:

1. Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương;[…].

2. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương;[…].

Theo đó, thời điểm có hiệu lực của Nghị định được quy định trực tiếp trong Nghị định đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Trường hợp Nghị định được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

5. Vai trò của Nghị định trong hệ thống pháp luật

Căn cứ Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về các vấn đề mà Nghị định điều chỉnh, từ đó có thể thấy vai trò của Nghị định trong hệ thống pháp luật rất quan trọng, điển hình như:

- Nghị định có vai trò làm rõ nội dung, thống nhất được cách hiểu, áp dụng các văn bản pháp luật bao gồm luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước thông qua việc quy định chi tiết các điều, khoản, điểm được giao trong các văn bản pháp luật này, qua đó hạn chế được việc viện dẫn, áp dụng các văn bản pháp luật không chính xác;

- Đảm bảo các văn bản pháp luật được thi hành trên thực tế có hiệu quả và chính xác thông qua việc quy định các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

- Là một trong những cơ sở điều chỉnh các quan hệ pháp luật hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới địa phương, thể hiện mối quan hệ chỉ đạo, điều hành trong hoạt động quản lý, thể hiện sự kết nối hữu cơ, gắn kết giữa các cơ quan chuyên môn thuộc cơ quan hành chính với cơ quan hành chính nhà nước trong việc tham mưu cho các cơ quan hành chính như Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý, ngành, lĩnh vực với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện. Nhờ đó, các cơ quan hành chính tạo thành một chỉnh thể thống nhất, hoạt động trên nguyên tắc tập trung, dân chủ, cùng hướng đến mục đích phụ vụ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức trong xã hội;

- Điều chỉnh các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo