Lương cơ bản là gì theo quy định luật lao động?
Mục lục bài viết
1. Quy định về lương cơ bản
Lương cơ bản là mức lương thấp nhất hay tối thiểu mà người lao động có thể nhận được khi làm việc trong một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị nào đó. Lương cơ bản là khoản tiền lương ghi trong hợp đồng lao động dựa trên sự thỏa thuận đồng ý giữa NLĐ (người lao động) và NSDLĐ (người sử dụng lao động – doanh nghiệp). Đây là mức lương dùng làm căn cứ tính đóng các khoản bảo hiểm gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Mức lương cơ bản không gồm có những khoản tiền thưởng, phụ cấp, phúc lợi và các khoản thu nhập bổ sung khác.
2. Quy định về cách tính lương cơ bản theo pháp luật hiện hành
a. Nhóm người lao động là công chức, viên chức, cán bộ trong cơ quan Nhà nước
Lương cơ bản năm 2021 được tính dựa trên mức lương cơ sở cụ thể như sau:
Lương cơ bản = Mức lương cơ sở x Hệ số lương
Trong đó:
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Chính trị và Quốc hội đã thống nhất chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ ngày 01/07/2020 cho đến khi có thông báo mới. Do vậy, mức lương cơ sở hiện nay vẫn là 1.490.000 đồng/tháng (theo quy định tại khoản 2 điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP năm 2019).
Hệ số lương phụ thuộc vào từng ngành nghề, lĩnh vực, chức vụ. Theo quy định của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP năm 2004, hệ số lương cơ bản được chia theo bậc Trung cấp, bậc Cao đẳng, bậc Đại học như sau:
Hệ số lương cơ bản bậc Trung cấp: 1.86 triệu đồng/tháng
Hệ số lương cơ bản bậc Cao đẳng: 2.10 triệu đồng/tháng
Hệ số lương cơ bản bậc Đại học: 2.34 triệu đồng/tháng
b. Nhóm người lao động trong doanh nghiệp
Khác với công chức, viên chức, cán bộ trong cơ quan Nhà nước, lương cơ bản của người lao động trong doanh nghiệp được tính dựa vào mức lương tối thiểu vùng do chính Chính phủ quy định hàng năm.
Theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP năm 2019, lương cơ bản của người lao động trong những doanh nghiệp được quy định:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
3. Lương cơ bản có phải lương đóng BHXH không?
Theo quy định của Khoản 2, Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: Mức đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Về mức lương:
Tại Khoản 2, Điều 6, Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc tối thiểu quy định như sau:
Mức lương cơ bản đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.
- Về phụ cấp lương:
Theo Khoản 1, Điều 30, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH năm 2015 những khoản phụ cấp theo lương tính BHXH bao gồm: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút; Các phụ cấp có tính chất tương tự.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất