Nguyễn Nhàn

Lương bác sĩ quy định thế nào?

Tiền lương là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên cuộc sống của một cá nhân. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực lại có những mức lương, phụ cấp lương khác nhau. Việc tìm hiểu về tiền lương sẽ giúp chúng ta có cái nhìn phong phú hơn về công việc cũng như thu nhập của một lĩnh vực, ngành nghề. Dưới đây là nội dung bài viết về chế độ tiền lương đối với bác sĩ, quý khách có thể tham khảo:

1. Tiền lương là gì?

Tại Điều 90 Bộ luật lao động 2019 có quy định tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc nhất định đã được các bên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng lao động. Như vậy, có thể hiểu bản chất của tiền lương chính là số tiền để trả cho công sức mà người lao động đã bỏ ra để thực hiện một công việc nhất định theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

Tiền lương chính là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định đến quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tiền lương là một trong các yếu tố quyết định đến việc người lao động có gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hay không, là yếu tố thể hiện năng lực, vai trò của người lao động với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tiền lương là yếu tố thể hiện sự đãi ngộ của doanh nghiệp với người lao động, là yếu tố xác định sự phát triển của một doanh nghiệp.

Tiền lương theo quy định của pháp luật bao gồm lương theo công việc hoặc chức danh, mức lương theo công việc hoặc theo chức danh này không được thấp hơn mức lương tối tiểu vùng. Ngoài ra còn có phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Phụ cấp lương tùy theo vị trí công việc, chức danh, loại công việc mà có các mức phụ cấp khác nhau. Các khoản bổ sung khác cũng tùy thuộc từng nơi làm việc mà có các mức khác nhau.

Theo quy định hiện hành, mức lương tối thiểu vùng tại Vùng I: 4.680.000 đồng; Vùng II: 4.160.000 đồng; Vùng III: 3.640.000 đồng; Vùng IV: 3.150.000 đồng.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp công hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì mức lương được tính theo hệ số nhân với mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay nà 1.490.000 đồng.

2. Lương bác sĩ quy định thế nào?

Bác sĩ được xếp vào một trong những ngành nghề cao quý, được mọi người quý trọng do đó đây được xác định là một ngành nghề hot trong thời gian gần đây. Mức lương của bác sĩ tùy từng vị trí, công việc chuyên môn, nơi làm việc mà có thể có các mức lương khác nhau.

Trong trường hợp bác sĩ làm việc theo hợp đồng lao động với các bệnh viện tư nhân thì tiền lương trong trường hợp này sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật lao động, cụ thể tiền lương trong trường hợp này sẽ do các bên thỏa thuận tùy thuộc vào trình độ đào tạo, vị trí tuyển dụng, kinh nghiệm làm việc của bác sĩ và quỹ lương của bệnh viện. Tiền lương trong trường hợp này sẽ không có quy định cụ thể mức thấp nhất hoặc mức cao nhất, việc được trả lương bao nhiêu phụ thuộc vào sự thỏa thuận khi giao kết hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, mức lương trong trường hợp bác sĩ làm việc theo hợp đồng lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Ví dụ: nếu bác sĩ làm việc tại khu vực Hà Nội thì mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu của vùng I cụ thể là 4.680.000 đồng.

Đối với trường hợp bác sĩ được tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan nhà nước thì được xếp lương theo quy định tại Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV. Cụ thể theo quy định tại Điều 13 Thông tư này thì việc xếp lương đối với nghề nghiệp bác sĩ như sau:

Các chức danh nghề nghiệp bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ quy định tại Thông tư liên tịch này được áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, như sau:

- Chức danh nghề nghiệp bác sĩ cao cấp (hạng I), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A3 (nhóm A3.1), từ hệ số lương từ 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Chức danh nghề nghiệp bác sĩ chính (hạng II), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương từ 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng III), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng (hạng III) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Chức danh nghề nghiệp y sĩ được áp dụng hệ số lương viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Như vậy, có thể thấy tùy vào vị trí, trình độ chuyên môn, chức danh của bác sĩ tại đơn vị đang công tác mà có thể có các mức lương khác nhau. Mức lương của bác sĩ làm việc tại cơ quan nhà nước được tính theo hệ số nhân với mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở năm 2022 vẫn chưa có sự điều chỉnh so với năm 2021, cụ thể mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo