Lại Thị Nhật Lệ

Lỗi không thắt dây an toàn là gì? Bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Hiện nay, hầu hết các văn bản pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đều có sự thay đổi theo hướng tăng mức xử phạt hành chính. Điều này là phù hợp để góp phần hạn chế các vi phạm, đặc biệt là những hành vi vi phạm trong giao thông. Một trong những lỗi khá phổ biến đối với người điều khiển ôtô là không thắt dây an toàn. Vậy lỗi không thắt dây an toàn là gì? Mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi trên được quy định ở đâu. Hãy tham khảo bài viết sau đây của Luật Minh Gia để tìm hiểu những vấn đề trên.

1. Lỗi không thắt dây an toàn là gì? Vai trò của dây an toàn.

Theo khoản 2 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 về quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ quy định: “Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.” Như vậy, khi tham gia giao thông đường bộ, cả người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô đều phải thắt dây an toàn.

Hiện nay, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông bằng ô tô tránh những va đập khi có va chạm nhà sản xuất ôtô đều thiết kế bộ phận dây an toàn ở cả ghế lái cũng như ghế phụ và ghế sau. Dây an toàn trên ô tô là một bộ phận có thiết kế nhỏ nhưng rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người lái xe và hành khách ngồi trên xe, đặc biệt trong trường hợp dừng đột ngột hoặc khi xảy ra tai nạn. Thiết kế của ô tô cho dù là dòng xe nhỏ hay dòng xe lớn cũng đều có dây an toàn, một bộ phận không thể thiếu khi điều khiển ô tô.

Dây an toàn có rất nhiều tác dụng, có thể kể đến như:

- Giúp bạn không bị ném ra khỏi xe và những người trong xe không va chạm nhau: Trong nhiều trường hợp, chiếc có thể bị lật hoặc cánh cửa bị bung ra do va chạm. Chiếc dây an toàn sẽ giúp người ngồi trong xe không bị ném văng ra khỏi xe. Ngoài ra, chiếc dây an toàn sẽ cố định vị trí của mỗi người. Nó sẽ giúp chúng ta không bị va chạm vào những người xung quanh khi xe dừng đột ngột, bị lật hoặc xoay ngang trên đường.

- Dây an toàn đảm bảo khả năng thoát nạn khi có cháy nổ: Khi xe tai nạn và người trong xe bị thương thì việc di chuyển sẽ rất khó khăn. Nó sẽ khiến cho nạn nhân không đủ sức để thoát ra ngoài. Vì vậy, nó cũng có thể làm cho tài xế và hành khác bị thương lần thứ 2, thậm chí tử vong khi xe cháy nổ. Dây an toàn sẽ giúp tài xế và hành khách không bị thương khi xe gặp tai nạn. Điều này sẽ giúp chúng ta nhanh chóng thoát khỏi xe. Nó sẽ giúp chúng ta tránh được thảm hoạ khi xe bị cháy nổ hoặc rơi xuống nước.

- Giúp bảo vệ vùng mặt và vùng đầu: Nếu chiếc xe đang đi với tốc độ cao mà phải dừng lại một cách đột ngột thì bạn sẽ lao về phía trước với một tốc độ tương tự với tốc độ của xe. Tuy nhiên, với trường hợp sử dụng dây an toàn sẽ giúp bạn thắng được lực quán tính. Từ đó, nó sẽ giúp bảo vệ phần đầu và mặt không bị đập vào kính chắn gió. Điều này giúp bạn tránh được tổn thương phần đầu và mặt. 

2. Mức phạt đối với lỗi không thắt dây an toàn

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì mức xử phạt đối với lỗi không thắt dây an toàn áp dụng với cả người điều khiển ôtô và người ngồi trên ôtô, cụ thể như sau:

- Mức phạt với người điều khiển xe oto không thắt dây an toàn theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi:

+ Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe ô tô chạy trên đường.

+ Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.

- Mức phạt với người ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn theo quy định tại Khoản 5 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP

+ Phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng đối với người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.

Mức phạt đối với hành vi không thắt dây an toàn áp dụng đối với người điều khiển phương tiện cao hơn so với mức phạt về hành vi tương tự đối với người ngồi trên ôtô. Ngoài ra, mức phạt với hành vi không thắt dây an toàn tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã tăng lên một cách đáng kể so với quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Việc tăng mức xứ phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông phục vụ mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như vi phạm các quy định về an toàn giao thông khi tham gia giao thông.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo