Đinh Thị Minh Nguyệt

Lỗi đè vạch là gì? Vi phạm đè vạch bị phạt bao nhiêu?

Trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bắt gặp nhiều loại vạch kẻ đường khác nhau, trong đó có những loại vạch kẻ mà pháp luật quy định các phương tiện không được di chuyển đè lên vạch. Khi đó, nếu người điều khiển phương tiện vẫn thực hiện hành vi này sẽ bị coi là vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của vạch kẻ đường và bị xử phạt hành chính. Do đó, các cá nhân tham gia giao thông cần chú ý lỗi này để tránh mắc phải.

1. Phân biệt các loại vạch kẻ đường

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT có quy định về các loại vạch kẻ đường được sử dụng trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó bao gồm những loại vạch kẻ mà các phương tiện được phép đè vạch hoặc không được đè vạch. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số loại vạch kẻ đường ít xuất hiện và không phải ai cũng biết, vì vậy trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến một số loại vạch kẻ đường phổ biến để người tham gia giao thông nắm rõ. Cụ thể:

- Vạch 1.1: Vạch phân chia hai chiều xe chạy (vạch tim đường), dạng vạch đơn, đứt nét, màu vàng, dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều nhau. Xe được phép cắt qua để sử dụng làn ngược chiều từ cả hai phía.

- Vạch 1.2: Vạch phân chia hai chiều xe chạy (vạch tim đường), dạng vạch đơn, nét liền, màu vàng, dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều. Xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

- Vạch 1.3: Vạch phân chia hai chiều xe chạy (vạch tim đường), dạng vạch đôi, nét liền, màu vàng, dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều. Xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

- Vạch 1.4: Vạch phân chia hai chiều xe chạy, dạng vạch đôi gồm một vạch nét liền, một vạch nét đứt, dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều. Xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua và sử dụng làn ngược chiều khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch.

- Vạch 2.1: Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, đứt nét, màu trắng, dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép thực hiện việc chuyển làn đường qua vạch.

- Vạch 2.2: Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, liền nét, dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

- Vạch 2.4: Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch kép (một vạch liền, một vạch đứt nét), màu trắng, dùng để phân chia các làn xe cùng chiều, xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch.

- Vạch 7.6: Vạch có dạng hình thoi, màu trắng, sử dụng để báo hiệu sắp đến chỗ có bố trí vạch đi bộ qua đường; đặc biệt đối với các chỗ bố trí vạch đi bộ qua đường ở giữa đoạn đường nối hai nút để cảnh báo người lái xe phải nhường đường cho người đi bộ qua đường.

2. Lỗi đè vạch là gì?

Dựa trên vị trí, mức độ đè vạch, lấn vạch của các phương tiện giao thông, lỗi đè vạch có thể chia làm 2 trường hợp như sau:

- Trường hợp 1: Một hoặc hai bánh xe cán, đè lên vạch nhưng bánh xe chưa lấn qua hết chiều ngang của vạch được quy vào lỗi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường”.

- Trường hợp 2: Bề ngang của bánh xe bất kể là bánh trước hoặc bánh sau lấn qua hết chiều ngang của vạch và nằm hoàn toàn bên đường ngược chiều hoặc làn đường sau vạch liền thì phạm vào lỗi “Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi mình, đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định”.

Theo đó, cụm từ “lỗi đè vạch” trên thực tế thường được dùng để chỉ những hành vi thuộc trường hợp 1 nêu trên, khi đó các phương tiện sẽ bị xử phạt đối với lỗi “không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường”.

3. Mức xử phạt với lỗi đè vạch

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức xử phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường áp dụng với mỗi loại phương tiện như sau:

- Đối với ô tô:

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a, khoản 1 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm i, khoản 34 điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Nếu người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi này và gây tai nạn giao thông còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (theo điểm c, khoản 11 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Đối với xe mô tô, xe gắn máy

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm a, khoản 1, điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ). Trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi này và gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (theo điểm c, khoản 10 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm a, khoản 1, điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ). Nếu có tai nạn giao thông xảy ra do phương tiện vi phạm lỗi này thì người điều khiển còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) (theo điểm b, khoản 10 điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Đối với xe đạp, xe đạp máy (xe đạp điện) hoặc xe thô sơ khác

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (điểm c, khoản 1, điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ).

Trên đây là mức xử phạt áp dụng với những trường hợp vi phạm lỗi đè vạch theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, theo đó, quý bạn đọc có thể tham khảo những nội dung mà công ty chúng tôi cung cấp để tránh mắc phải lỗi vi phạm này khi tham gia giao thông.  

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169