Luật sư Dương Châm

Kỷ luật là gì? Có mấy hình thức kỷ luật?

Hoạt động lao động là hoạt động có sự tham gia của nhiều người và mang tính tập thể. Do vậy, để đảm bảo trật tự, ổn định và hiệu quả làm việc, người lao động phải tuân theo kỷ luật. Kỷ luật lao động là một loạt các biện pháp mà người sử dụng lao động có thể áp dụng nhằm nhắc nhở, cảnh cáo, xử phạt người lao động khi người lao động có hành vi vi phạm nội quy, quy tắc lao động, tùy theo mức độ vi phạm.

1. Quy định pháp luật về kỷ luật

Trong quá trình sử dụng lao động, người sử dụng lao động có quyền thiết lập, duy trì kỉ luật lao động, có quyền quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động đối với đơn vị; còn người lao động có nghĩa vụ phải chấp hành. Trường hợp người lao động không chấp hành hoặc không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ được giao, họ sẽ phải chịu hình thức xử lí kỉ luật tương ứng. Pháp luật cho phép người sử dụng lao động có quyền xử lí kỉ luật đối với người lao động trong những trường hợp này nhưng vẫn cần tuân theo các quy định của pháp luật. Căn cứ vào hành vi vi phạm và mức độ nghiêm trọng của người lao động mà hội đồng kỷ luật sẽ áp dụng một trong số các hình thức kỷ luật sau:

Khiển trách

Là hình thức xử lý kỷ luật nhẹ nhất đối với người lao động khi vi phạm.

Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng

Người lao động bị kéo dài thời gian nâng lương thường xuyên so với thời hạn được các bên thỏa thuận phụ thuộc vào hành vi vi phạm mà người lao động phạm phải.

Cách chức

Là hình thức bãi bỏ chức vụ quyền hạn của người lao động trong doanh nghiệp, tổ chức và thường áp dụng đối với người lao động giữ chức vụ nhất định.

Sa thải

Là hình thức chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Pháp luật (Được quy định tại Điều 125, Bộ Luật lao động 2019). Đây cũng là hình thức kỷ luật nặng nhất đối với người lao động.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp lạm dụng các quy định này để kỷ luật người lao động, đặc biệt ra quyết định kỷ luật sa thải không đúng luật, gây khó dễ cho người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ.

Nếu gặp phải vướng mắc liên quan đến lĩnh vực này, bạn có thể liên hệ với Công ty Luật TNHH Minh Gia để được tư vấn, bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm kiến thức pháp luật thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:

2. Quy định về hình thức kỷ luật sa thải

Câu hỏi:

Tôi làm việc tại công ty may mặc tại huyện Thạch Thất, Hà Nội theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ 10/9/2019. Ngày 15/10/2021, do sơ suất trong quá trình làm việc, tôi đã gây ra hậu quả sản phẩm của công ty bị lỗi. Công ty đã ra quyết định tạm đình chỉ công việc của tôi trong 2 tháng để điều tra xác minh. Tôi vừa được biết kết quả xác định giá trị thiệt hại của lô sản phẩm lên tới 30 triệu đồng. Ngày 29/12/2022 công ty đã ra quyết định sa thải với lý do tôi có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công ty. Như vậy việc công ty sa thải tôi có đúng không?

Trả lời:

Thứ nhất, về căn cứ sa thải của công ty:

Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về các trường hợp bị xử lý kỷ luật sa thải như sau:

Điều 125. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

Công ty đã ra quyết định sa thải bạn với lý do có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công ty. Đây là một lý do có căn cứ pháp luật, theo như điều khoản về sa thải phía trên.

Tuy nhiên phải xác định xem hành vi của bạn có mang tính chất “gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công ty” như quyết định sa thải đề cập hay không. Như thông tin bạn cung cấp, do sơ suất của bạn trong quá trình làm việc nên sản phẩm của công ty bị lỗi và thiệt hại ghi nhận được là 30 triệu đồng. Pháp luật hiện tại không có điều khoản quy định cụ thể về tính chất “gây thiệt hại nghiêm trọng”. Nhưng theo Bộ luật Lao động 2019, Điều 219 có đề cập đến rằng“[…] Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc […]”. Như vậy, có thể tạm hiểu, thiệt hại không nghiêm trọng là thiệt hại có giá trị từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở xuống, còn thiệt hại nghiêm trọng có giá trị trên 10 tháng lương tối thiểu vùng. Theo quy định hiện hành, mức lương tối thiểu vùng của huyện Thạch Thất, Hà Nội là 4.420.000 đồng; 10 tháng lương tối thiểu vùng là 44.200.000 đồng. Như vậy, thiệt hại do hành vi của bạn là 30 triệu đồng, thấp hơn mức tiền nói trên. Do vậy, theo quy định của pháp luật thì chưa đủ cơ sở để công ty ra quyết định sa thải bạn vì lý do “có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công ty".

Ngoài ra, căn cứ Khoản 3 Điều 127 Bộ luật lao động 2019 quy định nghiêm cấm hành vi "Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định".

Vì vậy, cũng cần xem xét hợp đồng lao động giữa bạn với công ty, Nội quy lao động của công ty có quy định về mức thiệt hại được xem là thiệt hại nghiêm trọng làm căn cứ xử lý kỷ luật sa thải hay không.

Trong trường hợp này, nếu không đủ căn cứ sa thải thì bạn có thể sẽ phải chịu một trong số các hình thức kỷ luật khác (như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng hoặc cách chức) theo Nội quy lao động của công ty.

Thứ hai, về trình tự thủ tục sa thải của công ty

Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

Điều 122. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.

Theo như thông tin bạn cung cấp, công ty đã ra quyết định sa thải bạn mà chưa có buổi họp xử lý kỷ luật, không có sự tham gia và chứng kiến của những người có thẩm quyền và người lao động không được thực hiện quyền bảo chữa của mình. Như vậy, việc xử lý kỷ luật của công ty là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Bạn có quyền khiếu nại đến Công ty, Phòng lao động thương binh xã hội cấp quận hoặc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo