Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tội gây ô nhiễm môi trường quy định thế nào?

Tội gây ô nhiễm môi trường là hành vi thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép. Tội danh này được quy định cụ thể tại Điều 235 Bộ luật hình sự như sau:

I. Dấu hiệu pháp lý của tội gây ô nhiễm môi trường

1. Khách thể:

Tội phạm này xâm phạm vào các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, cụ thể là sự trong sạch của không khí, nguồn nước, đất trong môi trường sống của con người và thiên nhiên.
Đối tượng tác động của tội phạm này là không khí, nguồn nước, đất – một yếu tố không thể thiếu được trong sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên. Không khí ở trạng thái tự nhiên có 37% khí Nito, 21% khí Oxi và 1% khí Cacbonic, Amoniac…

2.  Khách quan: Người phạm tội có một hoặc một số hành vi sau:

- Hành vi gây ô nhiễm không khí: Thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác (SO2, NO2, CO2, chì…) quá tiêu chuẩn cho phép vào không khí;  Phát bức xạ, phóng xạ (bức xạ điện từ, bức xạ ion hoá…) quá tiêu chuẩn cho phép vào không khí.

Yếu tố quá tiêu chuẩn cho phép ở đây là quá tiêu chuẩn môi trường theo quy định của nhà nước.

- Gây ô nhiễm nguồn nước:

+ Hành vi này xâm phạm vào các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường nước, cụ thể là làm mất đi sự trong sạch của nguồn nước trong môi trường sống của con người và thiên nhiên. Đối tượng tác động của tội phạm này là nguồn nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày của con người, nguồn nước nuôi trồng thủy sản và dùng sản xuất bao gồm: nước biển, nước nội địa kể cà nước bề mặt và nước ngầm.

+ Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện ở việc trong quá trình lao động, sản xuất hoặc sinh hoạt đã thải vào nguồn nước các loại: dầu mỡ, hóa chất độc hại,…các chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép.

+ Hoặc hành vi khác đó là thải các chất thải (rắn, lỏng), xác động vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác như rò rỉ nguồn điện, phát các loại sóng siêu âm…

- Gây ô nhiễm đất

Hành vi này xâm phạm vào các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường đất, cụ thể là các quy định về quản lý, bảo vệ độ phì nhiêu của đất.

Hành vi khách quan của tội phạm này được thể hiện ở việc chôn vùi hoặc thải vào đất các chất thải rắn lỏng hoặc các chất độc hại khác không thể tự phân hủy được, làm cho đất bị bạc màu, hoang hóa hoặc không thể sử dụng.

- Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự:

Chỉ truy cứu trách nhiệm sự khi thực hiện những hành vi nêu trên thuộc một trong các trường hợp sau đây:

3. Chủ quan: tội phạm này được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý

4. Chủ thể: là bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của luật hình sự.

II. Hình phạt của tội gây ô nhiệm môi trường

Theo quy định tại điều 235 bộ luật hình sự 2017 quy định về hình phạt như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;

b) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 500 kilôgam đến dưới 1.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 1.500 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Xả thải ra môi trường từ 500 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;

d) Xả thải ra môi trường 500 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần hoặc từ 300 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 100 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 300 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

đ) Thải ra môi trường từ 150.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 100.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 150.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;

e) Thải ra môi trường 150.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần hoặc từ 100.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 150.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 50.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 100.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 100.000 kilôgam đến dưới 200.000 kilôgam hoặc từ 70.000 kilôgam đến dưới 100.000 kilôgam nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

h) Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều từ 50 milisivơ (mSv) trên năm đến dưới 200 milisivơ (mSv) trên năm hoặc giá trị suất liều từ 0,0025 milisivơ (mSv) trên giờ đến dưới 0,01 milisivơ (mSv) trên giờ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 10.000 kilôgam đến dưới 50.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;

b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 500 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;

c) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 150.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;

d) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;

đ) Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều từ 200 milisivơ (mSv) trên năm đến dưới 400 milisivơ (mSv) trên năm hoặc giá trị suất liều từ 0,01 milisivơ (mSv) trên giờ đến dưới 0,02 milisivơ (mSv) trên giờ;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật 5.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc 50.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại khác;

b) Xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc 5.000 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;

c) Thải ra môi trường 500.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc 300.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;

d) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường 500.000 kilôgam trở lên;

đ) Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều 400 milisivơ (mSv) trên năm trở lên hoặc giá trị suất liều 0,02 milisivơ (mSv) trên giờ trở lên;

e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 12.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 12.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, đối với tội gây ô nhiễm môi trường thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.

---

III. Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường như thế nào?

Câu hỏi:

Nhờ luật sư tư vấn giúp: Nguyên nhà của tôi ở mặt đường , phía sau nhà là mương thủy lợi , có đất vườn tôi trồng cây ăn trái và mồ mã ông bà ! Cách đây mấy tháng ông bà  (NV ) chủ tiệm vàng , đã san lấp và thổi cát đất để làm khu vui chơi giải trí , từ đó đã ngăn dòng chảy của mương thủy lợi.

Hiện nay nước đã ngập sân làm ô nhiễm môi trường nước và làm thiệt hại cây trồng của Gia Đình tôi gồm : xoài mít mận dừa ..vv và đã chết dần . Nhất là thiệt hại đến hai ngôi mộ ông bà đã bị nước ngập không thể cúng kiếng được? Gia Đình tôi cũng đã gởi đơn khiếu nại đến địa phương nhưng không ai giải quyết, Nay tôi xin luật sư hướng dẫn giùm tôi. Gia Đình chúng tôi chân thành cám ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo Nghị định 03/2015/NĐ-CP quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường trong đó có việc thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại, tính toán thiệt hại đối với môi trường.

Do đó, bạn cần viết đơn đề nghị đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn để trình bày sự việc .  Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm gây ra.

Để giải quyết bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra thì trước hết hai bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu trọng tài giải quyết hoặc kiện ra Tòa án.

Đối với các thiệt hại về các thành phần môi trường, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, còn với các thiệt hại về tài sản thì thời hiệu được quy định là 2 năm kể từ khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo