Trần Phương Hà

Khởi kiện yêu cầu thực hiện văn bản thỏa thuận chia tài sản sau ly hôn.

Khi ly hôn, vợ chồng có quyền tự thỏa thuận hoặc nhờ Tòa án giải quyết về việc phân chia tài sản chung khi ly hôn. Tuy nhiên, khi vợ chồng tự thỏa thuận phân chia tài sản khó tránh việc xảy ra những mẫu thuẫn, tranh chấp nên việc chia tài sản sau ly hôn không được thực hiện đúng theo thỏa thuận.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Thưa Luật sư! E với chồng đã ly hôn cách đây 02 năm, vợ chồng em thuận tình ly hôn, nên tài sản chung và các khoản nợ chung chúng em không đưa vào đơn ly hôn. Mà tự thỏa thuận, có Biên bản thỏa thuận chia tài sản chung, hai bên tự ký, không có xác nhận của chính quyền địa phương và cơ quan nơi hai vợ chồng đang công tác.Trong đơn chúng em thỏa thuận: Giao nhà ở cho chồng và chồng trả cho em số tiền là 150.000.000 đồng (Số tài sản trong nhà và ước tính giá trị nhà ở của hai vợ chồng). Nhà ở của hai vợ chồng em là do bố mẹ chồng cho đất, nhưng em làm nhà, chồng không bỏ tiền ra để làm. Đất ở, đến nay vẫn chưa làm được sổ đỏ, do thuộc khu vực quy hoạch của UBND huyện. Theo thỏa thuận của chồng trong đơn và theo yêu cầu của em là sau ly hôn 3 tháng, chồng sẽ đưa đủ số tiền 150 triệu đồng cho em, để em ổn định nhà cửa, nuôi con. Nhưng đến nay, đã hơn 2 năm, mà chồng em vẫn chưa đưa được đồng nào cho mẹ con em cả. Hiện nay chồng em lại sửa sang nhà cửa, để lấy vợ mới. Mẹ con em thì ở ngoài trọ, em muốn hỏi Luật sư là bây giờ e khởi kiện thì có muộn không ạ? Thủ tục khởi kiện gồm những gì? Có khả năng thắng kiện không ạ?.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 quy định:

Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

"1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này."

Chiếu theo quy định trên, trước hết việc chia tài sản chung sẽ do 2 vợ chồng thỏa thuận. Về nguyên tắc tài sản chung vợ chồng sẽ được chia đôi có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên. Nếu không thỏa thuận được thì khi có yêu cầu TAND sẽ giải quyết việc phân chia dựa trên các yếu tố như hoàn cảnh của hai bên, công sức đóng góp của hai bên, lỗi của các bên trong việc vi phạm…

Với trường hợp của bạn khi thuận tình ly hôn vợ chồng bạn sẽ tự thỏa thuận giải quyết về các vấn đề con cái, tài sản, nợ chung… Tuy nhiên hiện nay đối với phần tài sản, chồng bạn không thực hiện theo thỏa thuận của hai bên. Theo đó, bạn có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân để yêu cầu chồng cũ của mình thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết trong thỏa thuận. Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng sau khi ly hôn không buộc phải công chứng, chứng thực. Do đó văn bản này hoàn toàn có giá trí pháp lý. Dựa vào văn bản này và các giấy tờ chứng minh tài sản khác bạn có thể cung cấp cho Tòa án để làm cơ sở giải quyết yêu cầu khởi kiện của mình. 

Về thủ tục khởi kiện yêu cầu chia di sản sau khi ly hôn, chúng tôi đã có bài viết tương tự về vấn đề này, bạn có thể tham khảo thêm thông qua đường dẫn sau:

>> Hướng dẫn thủ tục khởi kiện dân sự.

- Giải quyết vấn đề chia tài sản là nhà đất sau khi đã ly hôn

Câu hỏi: Tôi ly hôn từ năm 2016, khi ly hôn chúng tôi đã thỏa thuận: “tôi nuôi 2 con trai tôi, khi đó cháu bé 6 tuổi, cháu lớn 16 tuổi, (Tôi ko yêu cầu trợ cấp gì) tự nuôi 2 cháu và ở trên mảnh đất có diện tích 80m2 (ngôi nhà cấp 4 - 15 m2).

Đến năm 2019 vợ tôi về đòi tôi số tiền 170 triệu thì để lại toàn bộ nhà nhất cho tôi sử dụng, sau nhiều lần trao đổi, giải quyết, thỏa thuận, tôi đã đưa cho chị ta 350 triệu bao gồm tiền mua và sửa chữa nhà cho chị ta (theo yêu cầu của chị ta muốn có chỗ cho con cái ở khi sang mẹ), toàn bộ số tiền chỉ viết tay và có người làm chứng. Năm 2021 chị ta xin cho con thứ 2 của tôi về ở cùng (tự thỏa thuận) tôi đã đồng ý vì không ngăn cấm tình cảm mẹ con, hiện nay cháu vào học lớp 10. Tôi đã yêu cầu chị ta để cháu về ở cùng với tôi để còn kèm cháu học tập cấp 3 (do mẹ cháu chỉ học hết cấp 3 bổ túc nên không thể kèm được gì cho cháu) bản thân tôi học sư phạm nhạc họa, Đại học mỹ thuật, sau yêu cầu thì chị ta đã không cho con tôi về ở cùng với tôi. Đặc biệt có ý tranh giành lại đất cát thông qua việc con cái...sổ đỏ hiện tại vẫn mang tên tôi và chị ta. Vậy xin quý công ty giải đáp giúp tôi cách giải quyết ra sao cho xong dứt điểm được. TÔI XIN TRÂN THÀNH CẢM ƠN!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn cho chúng tôi, về vấn đề của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo bạn trình bày, sau khi ly hôn vào năm 2016 thì đến năm 2019 vợ bạn có quay lại để đòi tài sản và giao dịch trên có các giấy tờ viết tay và có người làm chứng, tuy nhiên bạn không trình bày rõ giấy tờ viết tay khi thực hiện giao nhận tiền giữa bạn với vợ nội dung là gì. Vậy chúng tôi xin đưa ra hai trường hợp sau để bạn tham khảo thêm:

Thứ nhất, Giấy tờ viết tay trên là giấy tờ về biên nhận tiền giữa hai vợ chồng, trong trường hợp này bạn thì chưa có một thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng, vậy bạn nên thực hiện thủ tục khởi kiện yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn, trong quá trình giải quyết bạn nên nộp thêm các giấy tờ về biên nhận tiền giữa hai vợ chồng để sau khi thực hiện phân chia tài sản chung bạn sẽ được khấu trừ đối với các khoản tiền bạn đã thực hiện thanh toán đối với vợ.

Thứ hai, Giấy viết tay đó xác nhận thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng.

Sau khi ly hôn hai vợ chồng nếu có tranh chấp và không thỏa thuận với nhau được về vấn đề phân chia tài sản chung của vợ chồng thì khi có yêu cầu TAND vẫn sẽ giải quyết việc phân chia tài sản chung với tư cách là tài sản chung của hai cá nhân với nhau.

Theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.". Tuy nhiên trong trường hợp trên của bạn các giấy tờ viết tay về việc chuyển nhượng phần đất là tài sản chung đó không được thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực nên sẽ thuộc trường hợp giao dịch dân sự trên là vô hiệu về hình thức và về nguyên tắc khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, cụ thể theo Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

"Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực."

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định."

Tuy nhiên, tại quy định trên có nêu ra rằng những giao dịch mà không thực hiện công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật mà một bên đã thực  hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ của mình thì có thể yêu cầu TAND công nhận giao dịch trên. Do đó nếu trường hợp của bạn văn bản đó là văn bản xác nhận về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng là căn nhà và mảnh đất đó thì bạn có thể yêu cầu TAND công nhận giao dịch trên khi đã thực hiện được 2/3 nghĩa vụ trả tiền với giao dịch trên.

Ngoài ra đối với vấn đề con cái, khi ly hôn sẽ thực hiện theo thỏa thuận của các bên, với trường hợp của bạn khi ly hôn vợ chồng bạn có thỏa thuận bạn sẽ nuôi hai người con, và sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ chỉ được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân & gia đình 2014 như sau:

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Với trường hợp trên, vợ bạn không có quyền trực tiếp nuôi con, vì vậy để giải quyết tốt nhất bạn nên nhờ phía chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp can thiệp khi vợ ngăn cản quyền trực tiếp nuôi con của mình, khi yêu cầu phía địa phương giúp đỡ bạn cần cung cấp các căn cứ chứng minh về quyền trực tiếp nuôi con của mình và hành vi cản trở quyền đó của người vợ để chứng minh yêu cầu của mình là có cơ sở.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169