Đinh Thị Minh Nguyệt

Hợp đồng là gì? Khi nào cần giao kết hợp đồng?

Hợp đồng không phải là khái niệm quá xa lạ đối với mỗi người dân. Trong quá trình sinh sống và làm việc, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều loại hợp đồng, trong đó thỏa thuận về rất nhiều vấn đề trong xã hội. Hợp đồng cũng được thể hiện dưới nhiều hình thức, từ những hợp đồng đơn giản dưới dạng lời nói, cho đến những hợp đồng phức tạp hơn mà pháp luật quy định buộc phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực. Đối với các quy định pháp luật, hợp đồng cũng xuất hiện trong rất nhiều các văn bản khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú cả về hình thức lẫn nội dung của hợp đồng. Trong phạm vi bài viết, Luật Minh Gia sẽ gửi đến bạn đọc những quy định chung nhất liên quan đến hợp đồng.

1. Khái niệm về hợp đồng 

Hiện nay, các quy định chung về hợp đồng đã được xác định rõ trong Bộ luật dân sự 2015. Về khái niệm, điều 385 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” 

Theo định nghĩa này, khi giữa hai hay nhiều chủ thể có sự thỏa thuận với nhau về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự, trong đó thể hiện những quy định nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt chúng thì có nghĩa các bên đã có sự giao kết hợp đồng với nhau. 

2. Hình thức hợp đồng 

Do hợp đồng được coi là một trong những giao dịch dân sự nên hình thức của hợp đồng cũng phải tuân thủ theo quy định về hình thức của giao dịch dân sự. Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau: 

“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Như vậy, hợp đồng có thể được thể hiện dưới dạng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể. Ngoài ra, có những trường hợp pháp luật quy định hợp đồng bắt buộc phải lập bằng văn bản và có công chứng, chứng thực thì người dân buộc phải tuân theo quy định đó. Có thể kể đến một số hợp đồng phổ biến như hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng góp vốn bằng nhà ở,...

3. Nội dung hợp đồng

Do hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên nên nội dung trong hợp đồng không có giới hạn cụ thể, miễn là nội dung đó phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Dù vậy, để một hợp đồng có giá trị pháp lý cao và đảm bảo đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi bên, một số chi tiết sau đây nên được quy định cụ thể trong hợp đồng, theo điều 398 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm: 

Điều 398. Nội dung của hợp đồng

1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.”

Tùy từng trường hợp cụ thể, các chi tiết, nội dung nêu trên có thể có sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Đây là bước quan trọng, tạo tiền đề cho quá trình thực hiện hợp đồng diễn ra thuận lợi, giảm thiểu các rủi ro, tranh chấp có thể xảy ra.

4. Thời điểm giao kết hợp đồng

Để một hợp đồng có hiệu lực thì phải có sự tham gia của nhiều bên, trong đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ nào đó. Vì vậy, sẽ không có quy định cụ thể về thời điểm cá nhân, tổ chức cần giao kết hợp đồng mà thay vào đó, nó phụ thuộc vào nhu cầu, sự thỏa thuận của mỗi bên. Pháp luật chỉ can thiệp đối với hình thức, nội dung của hợp đồng, làm sao để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách đầy đủ, hiệu quả nhất.    

Trong quá trình giao kết hợp đồng, có nhiều mốc thời gian khác nhau mà các bên sẽ thực hiện, bắt đầu từ việc bên đề nghị giao kết hợp đồng thể hiện ý chí của mình và chịu trách nhiệm với đề nghị này đối với bên được đề nghị. Khi đó, thời điểm giao kết hợp đồng được xác định là thời điểm bên đề nghị được chấp nhận giao kết. 

Cụ thể, điều 400 Bộ luật dân sự 2015 quy định: 

“Điều 400. Thời điểm giao kết hợp đồng

1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này.”

Như vậy, đây cũng được coi là thời điểm mà hợp đồng có hiệu lực, trừ trường hợp giữa các bên hoặc pháp luật liên quan có quy định khác. Các quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng sẽ được thực hiện kể từ thời điểm này, trường hợp các bên có nhu cầu sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng thì phải có sự thỏa thuận và tuân thủ các quy định pháp luật.  

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn