Luật sư Dương Châm

Hỏi về sai lệch hồ sơ công chức và sổ bảo hiểm xã hội

Cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận hồ sơ công chức ngạch giáo dục nếu cơ quan cũ đã giải thể?

chào luật sư, mẹ tôi đóng BHXH 30 năm theo hệ số lương của thư viện thiết bị (ngạch giáo dục) tuy nhiên, hồ sơ công chức của mẹ tôi lại ghi lúc thì thư viện thiết bị, lúc thì nhân viên phục vụ (hai chức vụ này có hệ số lương khác nhau) hiện tại BHXH không giải quyết hồ sơ để mẹ tôi có thể về hưu vì lý do thông tin trên hồ sơ công chức của mẹ tôi không khớp với trên sổ BHXH (đưa ra 2 option: 1 là làm lại hồ sơ công chức, 2 là phải chấp nhận hưởng lương hưu theo hệ số nhân viên phục vụ) theo tôi được hiểu thì mình đóng bảo hiểm trên hệ số nào thì phải được nhận lương hưu trên hệ số ấy chứ tại sao lai căn cứ vào hồ sơ công chức, khi mà mẹ tôi đóng bảo hiểm bao nhiêu năm nay theo hệ số của nhân viên thư viện thiết bị? và căn cứ đâu để bên BHXH yêu cầu mẹ tôi phải hưởng lương theo nhân viên phục vụ?) nếu làm lại hồ sơ công chức thì phải có dấu của cơ quan cũ của mẹ tôi (trường cấp 2), nhưng trường cũ đã giải thể không còn dấu? vậy liệu rằng phòng GD-ĐT có thể thay thế để xác nhận không? Mong luật sư tư vấn quy định pháp luật liên quan đến trường hợp của mẹ tôi, tôi xin cảm ơn

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi. Về trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Đối với trường hợp của mẹ bạn, do có sự sai khác của hồ sơ công chức qua các giai đoạn nên cơ quan bảo hiểm có cơ sở yêu cầu mẹ bạn xác minh hồ sơ. Trước hết,mẹ bạn cần liên hệ để xin lại hồ sơ gốc tại phòng nội vụ của quận, huyện địa phương trường Trung học cơ sở mẹ bạn đã làm việc đặt tại.

 

Căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn của phòng nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, cũng như các quy định về quản lí hồ sơ công chức bậc Trung học cơ sở được quy định của Luật Giáo dục, thì phòng nội vụ quận, huyện thuộc Ủy ban nhân dân địa phương chính là cơ quan có thẩm quyền xác nhận hồ sơ công chức của mẹ bạn. Vậy mẹ bạn cần làm việc trực tiếp với phòng nội vụ này.

 

Một số quy định pháp luật liên quan đến trường hợp của bạn là:

 

Điều 100 Luật Giáo dục quy định về cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục như sau:

“1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục.

Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; hằng năm báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo thẩm quyền.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương.”

 

 

Điều 9 Thông tư Số: 15/2014/TT-BNV về “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phòng nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc” quy định về vị trí chức năng của Phòng nội vụ như sau:

1. Phòng Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm; biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; thi đua - khen thưởng; công tác thanh niên.

2. Phòng Nội vụ chấp hành sự lãnh đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của Ủy ban nhân dân cấp huyện, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Nội vụ.”

 

Khoản 5 điều 10 thông tư nói trên có quy định như sau về nhiệm vụ, quyền hạn quản lý vị trí việc làm, cơ cấu chức danh công chức, viên chức:

“a) Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý xây dựng đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh công chức, viên chức hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu chức danh công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện đôn đốc, theo dõi, thẩm định, tổng hợp việc xây dựng đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh công chức, viên chức hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu chức danh công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định; giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp danh mục vị trí việc làm, cơ cấu chức danh công chức, viên chức của huyện để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định;

c) Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc sử dụng, quản lý vị trí việc làm và cơ cấu chức danh công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định, theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

 

 

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn