Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Yêu cầu công nhân làm bù do bảo trì máy móc có đúng quy định?

Thưa luật sư nhờ tư vấn giúp về việc nếu người lao động không đồng ý về lương, thời giờ nghỉ ngơi với người sử dụng lao động thì phải làm thế nào? Nếu người lao động đình công thi sao? như sau: Tôi được biết theo Luật Lao động 2012 sửa đổi thì: "Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động".

Vậy luật sư cho em hỏi công ty em cho ngày nghỉ cố định của công nhân là vào ngày chủ nhật, nhưng vì lý do công ty test lại hệ thống của nhà máy (đấy là trường hợp do người sử dụng lao động cho nghỉ), công ty cho em nghỉ vào ngày làm việc bình thường, và bắt đi làm bù vào ngày chủ nhật, công ty em làm 3 ca nên sẽ có một số bạn đi làm 2 tuần ca 3 liên tục (22h-6h) nên rất mệt. Vậy trong trường hợp của công ty có thực hiện đúng luật không. Vì em biết nếu làm vào ngày chủ nhật thì người lao động được hưởng 200% lương và nghỉ việc ngày thường thì công ty phải trả 70% lương cơ bản mới đúng. Trong trường hợp đặc biệt người lao động phải đi làm bù vậy các trường hợp đó là gì ạ?

Em rất mong được phúc đáp vì công nhân công ty em đang không hiểu luật và có một số bạn định ra đình công vì công ty sai luật. Em xin chân thành cảm ơn!

 

Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

 

I. Thứ nhất, về tiền lương ngừng việc:

 

Theo Điều 98 Bộ luật lao động quy định về tiền lương ngừng việc, cụ thể là:

 

"Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

 

1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;

 

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

 

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định".

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc công ty kiểm tra lại hệ thống nhà máy cho người lao động nghỉ vào ngày bình thường, thì những ngày nghỉ này người lao động vẫn được trả đủ lương.

 

II. Thứ hai, về vấn đề làm thêm giờ và tiền lương làm thêm giờ:

 

Tại Khoản 2 Điều 106 Bộ luật lao động quy định về làm thêm giờ như sau:

 

"Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Được sự đồng ý của người lao động;

 

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

 

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ".

 

Do đó, khi công ty bạn yêu cầu người lao động làm thêm giờ thì phải được sự đồng ý của người lao động. Và sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng thì công ty phải bố trí cho người lao động được nghỉ bù.

 

Và chỉ trong các trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 107 Bộ luật lao động thì:

 

Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:

 

"1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

 

2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa".

 

Và tại Điều 97 Bộ luật lao động quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, cụ thể là:

 

"1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

 

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

 

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

 

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

 

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

 

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày".

 

Do đó, nếu người lao động làm việc vào ban đêm (từ 22h đến 6h sáng) thì công ty phải trả thêm ít nhất 30% tiền lương của ngày làm bình thường. Và nếu người lao động làm thêm vào ngày nghỉ (chủ nhật) thì công ty phải trả ít nhất 200% tiền lương cho người lao động.

 

Như vậy, trường hợp của bạn, những ngày được nghỉ tạm ngừng công việc thì công ty vẫn phải trả lương cho người lao động. Và nếu công ty bạn yêu cầu người lao động làm bù vào những ngày tạm ngừng công việc, nếu không được sự đồng ý của người lao động thì công ty đã vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, khi người lao động làm vào ban đêm, hoặc làm thêm vào ngày chủ nhật thì công ty phải trả lương đúng quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động trên.

 

III. Thứ ba, về vấn đề đình công:

 

Theo Điều 209 Bộ luật lao động quy định về đình công như sau:

 

"1. Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

 

2. Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 206 của Bộ luật này".

 

Do đó, việc đình công chỉ được tiến hành với tranh chấp tập thể về lợi ích và chỉ được tiến hành sau thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật.

 

Còn trong trường này, đây không phải là tranh chấp tập thể về lợi ích mà là tranh chấp tập thể về quyền, cho nên không được tiến hành đình công.

 

Nếu công ty bạn không áp dụng đúng quy định pháp luật về các vấn đề trên, thì về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể, người lao động cần phải làm đơn đến Phòng Lao động - thương binh và xã hội để yêu cầu hòa giải. Nếu không hòa giải được thì nộp đơn yêu cầu chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận/ huyện nơi công ty có trụ sở giải quyết.

 

Trân trọng!

P. Luật sư tư vấn - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo