Luật sư Trần Khánh Thương

Xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức cấp xã

Tôi có người quen, anh Đ làm cán bộ địa chính xã. Khi làm giấy tờ đất cho ông C, để muốn có được giấy tờ đất sớm ông C đã tự nguyện đưa cho anh Đ 5 triệu để ăn nhậu với mấy cán bộ phòng tài nguyên môi trường. Khi có được giấy tờ rồi thì ông C quay lại thưa anh Đ ăn hối lộ.

 

Anh Đ thừa nhận có nhận của ông C 5 triệu, và trả số tiền đó lại cho ông C, và ông C rút đơn kiện. Tuy nhiên uỷ ban nhân dân huyện lại xử lý anh Đ buộc thôi việc.Anh Đ làm việc tới nay đã đc hơn 15 năm, là Đảng viên, trong quá trình làm việc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn hăng hái trong các phong trào, chưa vi phạm quy chế, chưa bị kỉ luật.Khi ra quyết định buộc thôi việc thì cũng không gửi về nơi anh Đ làm việc. Quyết định ký ngày 15/12, thì tới 1/1 anh Đ mới biết mình bị buộc thôi việc, nhưng anh Đ chỉ nhận được nữa tháng lương.Các hình thức xử lý:Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, nặng nhất là buộc thôi việc.Vậy cho tôi hỏi: uỷ ban nhân dân huyện ra quyết định thôi việc như vậy là có đúng với quy trình chưa.Mong nhận được sự giải đáp từ quý công ty

 

Trả lời: Chào anh! Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của anh, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

Căn cứ quy định tại Điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định xử lý kỷ luật công chức:

"Điều 14. Buộc thôi việc

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;

2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

3. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp;

5. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức."

 

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc nếu anh vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 

Thứ hai, về trình tự xử lý kỷ luật. Điều 16 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định như sau:

 

"Điều 16. Tổ chức họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật

1. Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp để công chức có hành vi vi phạm pháp luật tự kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật. Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành đối với các trường hợp có thành lập Hội đồng kỷ luật và không thành lập Hội đồng kỷ luật quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành như sau:

a) Trường hợp cơ quan sử dụng công chức có đơn vị công tác cấu thành thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp là toàn thể công chức của đơn vị công tác cấu thành. Biên bản cuộc họp kiểm điểm ở đơn vị công tác cấu thành được gửi đến người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức. Cuộc họp kiểm điểm của cơ quan sử dụng công chức có hành vi vi phạm pháp luật được tổ chức với thành phần dự họp là đại diện lãnh đạo chính quyền, cấp ủy và công đoàn của cơ quan sử dụng công chức;

b) Trường hợp cơ quan sử dụng công chức không có đơn vị công tác cấu thành thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp là toàn thể công chức của cơ quan sử dụng công chức.

2. Đối với người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu có hành vi vi phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.

3. Công chức có hành vi vi phạm pháp luật phải làm bản tự kiểm điểm, trong đó có tự nhận hình thức kỷ luật. Trường hợp công chức có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản kiểm điểm hoặc vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng, đến lần thứ 03 sau khi đã gửi giấy triệu tập, nếu công chức vẫn vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành.

4. Nội dung các cuộc họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều này phải được lập thành biên bản. Biên bản các cuộc họp kiểm điểm phải có kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan sử dụng công chức được gửi đến Chủ tịch Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc người có thẩm quyền xử lý kỷ luật trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét theo thẩm quyền quy định tại Nghị định này."

 

Theo đó, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức phải tổ chức cuộc họp để công chức có hành vi vi phạm kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Trường hợp đơn vị đã gửi thông báo mời họp nhưng công chức vắng mặt hai lần mà không có lý do chính đáng thì sau khi thông báo lần thứ 3, đơn vị tiến hành xử lý kỷ luật vắng mặt và ra quyết định xử lý kỷ luật.

 

Trên cơ sở quy định nêu trên, anh đối chiếu với trường hợp thực tế để xác định việc xử lý kỷ luật đã đúng quy trình hay chưa. Nếu chưa đúng quy định nêu trên, anh có quyền khiếu nại quyết định hành chính theo quy định của luật khiếu nại.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo