Luật sư Vũ Đức Thịnh

Xác định điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc

Tư vấn thắc mắc về việc xác định điều kiện, thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hoặc người sử dụng lao động hiểu rõ quy định liên quan và vấn đề Báo giảm chậm cho người lao động đã nghỉ việc từ lâu. Nội dung hỏi và trả lời tư vấn như sau:

1. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc quy định thế nào?

Câu hỏi: Chào anh chị, Anh/chị cho tôi hỏi là trường hợp của tôi như dưới dây có đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp không: Thời gian đóng bảo hiểm: > 36 tháng liên tục - Tháng cuối đóng bảo hiểm: 9/2016.

Tháng nhận sổ bảo hiểm và quyết định chấm dứt hợp đồng lao động: 12/2016 Ngày 17/02/2017, tôi đến Trung tâm giới thiệu việc làm với đầy đủ hồ sơ như quy định để làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp thì được cán bộ bảo hiểm trả lời rằng: do tôi không đóng bảo hiểm tháng liền kề trước tháng nghỉ việc (11/2016) nên ko đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Vậy anh chị xem giúp tôi bên làm thủ tục bảo hiểm trả lời vậy là đúng hay sai? Và theo điều khoản luật nào? Cảm ơn anh/ chị!

>> Luật sư tư vấn thắc mắc về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, gọi: 1900.6169

Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây:

>> Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc

Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm năm 2013  thì Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này "đang đóng bảo hiểm thất nghiệp" được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

- Không chấm dứt HĐLĐ trái luật hoặc đang hưởng hưu trí, trợ cấp mất sức;

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

- Nộp hồ sơ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ một số trường hợp: có việc làm mới; định cư ở nước ngoài;...

Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật việc làm năm 2013 quy định:

"2. Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

a) Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồnglàm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;

b) Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồnglàm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

3. Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp."

Người lao động đang đóng BHXH là NLĐ có tháng trước liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ đã đóng BHTN và được cơ quan BHXH nơi đóng xác nhận. Thời gian tháng trước liền kề bao gồm những tháng nghỉ hưởng chế độ thai sản, ốm đau từ 14 ngày trở lên hoặc tháng trước liền kề có quyết định tạm hoãn HĐLĐ và không hưởng lương tại công ty.

Như vậy, nếu anh/chị đóng BHTN tới tháng hết 9/2016 và tháng 12/2016 chấm dứt HĐLĐ. Tháng 11/2016 không đóng BHTN do nghỉ không lương (mà không phải do nghỉ chế độ thai sản, ốm đau trên 14 ngày hoặc tạm hoãn hợp đồng) thì không được coi là đang đóng BHTN và không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

>> Nếu cần hỗ trợ về chế độ BHXH, bạn liên hệ: 1900.6169

2. Báo giảm chậm cho người lao động đã nghỉ việc từ lâu

Câu hỏi: Chào Luật sư,E hiện tại đang phụ trách nhân sự của một công ty. Vì mới làm nên e chưa biết các thủ tục liên quan đến bảo hiểm cho người lao động, hiện tại e đang vướng mắc 01 vài vấn đề mong muốn được luật sư hướng dẫn và tư vấn giúp e.Công ty e hiện tại đang nợ BHXH và hẹn trả vào tháng 03/2017 nên chưa giải quyết cho NLĐ được chốt sổ, có một số trường hợp như sau:1. NLĐ nghỉ việc từ tháng 06/2016 đến nay vẫn chưa báo giảm và chốt sổ trong khi chị đó đang cần chốt sổ để làm thủ tục thai sản (đã nghỉ ở công ty trước khi sinh). con chị sinh đc 4 tháng rồi ạ. Giờ e cần làm những thủ tục gì lên BHXH để giúp chị ý nhận đc chế độ và giờ báo giảm cho chị đó có được không?2. Một số NLĐ đã báo giảm rất lâu rồi ạ nhưng cũng chưa được chốt sổ vậy hiện tại em cần làm gì ạ? E đã tham khảo trên các trang luật nhưng chưa hiểu. Rất rất mong muốn luật sư giúp e giải đáp thắc mắc.Cảm ơn luật sư!

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn cụ thể như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

"2. Trách nhiệm của đơn vị, Đại lý thu

2.1. Đơn vị

a) Thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.

..."

Như vậy, trường hợp người lao động đã nghỉ việc từ 6/2016 nhưng công ty chưa thực hiện việc báo giảm lao động thì hiện tại vẫn có thể thực hiện thủ tục báo giảm muộn. Trường hợp này đơn vị sẽ phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm.

Vì người lao động đã nghỉ việc từ 6/2016 nên nếu công ty nộp tiền bảo hiểm đến hết 6/2016 thì sau khi báo giảm có thể chốt sổ BHXH cho người lao động này và trả sổ BHXH để người lao động làm thủ tục thanh toán chế độ thai sản.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo