LS Vy Huyền

Viên chức công tác xa nhà thì thời gian đi lại có được tính vào thời gian làm việc không?

Tôi là Viên chức của 1 đơn vị sự nghiệp có thu tự chủ một phần kinh phí. Do đặc thù công tác xa nhà khoảng 40 km. Thời gian đi làm mất khoảng 60 phút và về cũng mất khoảng 60 phút, là lao động nữ có con học mẫu giáo nên tôi đi làm trễ so với giờ luật lao động qui định là 7h - 17h.

 Cho tôi xin hỏi là thời gian tôi di chuyển từ nhà đến cơ quan và từ cơ quan về nhà có được tính vào thời gian làm việc hay không? Tôi làm phòng hành chính, luôn hoàn thành tốt công việc và chưa làm ảnh hưởng tới công việc, và chưa bị phàn nàn hay nhắc nhở gì. Tôi có vi phạm luật lao động không? Xin chân thành cảm ơn!

 

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo như bạn trình bày thì do đặc thù công tác xa nhà, thời gian đi làm và về nhà đều mất khoảng tầm 60 phút nên bạn không thể đảm bảo thời gian làm việc đúng giờ theo quy định của đơn vị sự nghiệp nơi bạn công tác.

 

Căn cứ theo quy định của bộ luật lao động thì khoảng thời gian đi lại từ nhà đến cơ quan của bạn không được tính là thời gian làm việc. Theo đó, pháp luật chỉ cho phép người lao động đợc phép nghỉ ngơi giữa giờ và thời gian nghỉ ngơi vẫn được tính vào giờ làm việc. Theo đó, điều 108 bộ luật dân sự 2012 quy định về thời gian nghỉ trong giờ làm việc:

 

Điều 108. Nghỉ trong giờ làm việc

 

1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.

 

2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.

 

3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.

 

Trong trường hợp người lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc nếu người đó đang trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Điều này được quy định cụ thể tại điều 155 Bộ luật lao động 2012 :

 

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

 

….. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

 Như vậy đối với trường hợp trên nếu con bạn đã trên 12 tháng tuổi thì bạn sẽ không được phép nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc theo quy định tại khoản 5 điều 155 Bộ luật lao động. Thời gian bạn đi làm muộn có thể bị coi là vi phạm nội quy lao động. Nếu việc đi làm muộn của bạn diễn ra thường xuyên hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng của công việc mà bị cấp trên nhắc nhở thì tùy theo mức độ vi phạm của  bạn mà đơn vị nơi bạn công tác có thể bị áp dụng các hình thức kỉ luật theo quy định tại điều 52 Luật viên chức 2010.

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV Thúy Vân - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo