LS Vũ Thảo

Việc kiêm nhiệm công tác thủ quy đối với công chức cấp xã

Tôi là công chức Văn phòng UBND xã B Nghị định số 92/2009 của Chính phủ. Nay tôi đang phải kiêm nhiệm thêm công việc làm thủ quỹ UBND xã, nhưng tôi không được hưởng thêm bất cứ một khoản phụ cấp nào, như vậy có đúng không.

 

Theo tôi hiểu, Văn phòng UBND xã theo NĐ 92 thì được bố trí là Văn phòng thống kê. Riêng ở tỉnh tôi việc bố trí công chức Văn phòng là Văn phòng, Nội vụ, Thủ quỹ. Việc bố trí cho công chức Văn phòng kiêm nhiệm công tác thủ quỹ là không hợp lý vì: văn phòng UBND xã rất nhiều việc, thường trực tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền... việc kiêm thêm công tác thủ quỹ rất phức tạp, việc thu tiền, chi tiền diễn ra thường xuyên (đặc thù ở cấp xã thì các nghiệp vụ phát sinh thu, chi không có thời gian cố định) do vậy có lúc đang giải quyết hồ sơ phải bỏ ra để đi thu tiền hoặc chi tiền, vì vậy rất dễ xảy ra mất an toàn tiền mặt và nhầm lẫn khi giao dịch tiền mặt. Với văn phòng kiêm là công tác thủ quỹ cũng không được cơ quan chức năng chuyên môn nào hướng dẫn công việc làm như thế nào, phải làm việc gì, không có phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, như vậy khi xảy ra mất an toàn tiền mặt thì trách nhiệm thuộc về ai. Đây là việc bố trí vô cùng bất cập, thiếu tính thực tế gây bức xúc cho cán bộ được kiêm nhiệm (qua tham khảo của các đồng nghiệp trong huyện đều bày tỏ thái độ bức xúc với bất cập này). Việc này tôi đã gửi câu hỏi đến Sở Tài chính và Sở Nội vụ tỉnh Thái Bình nhưng đã 6 tháng nay chưa có ý kiến hồi âm. Tôi đề nghị Luật sư giải đáp cho tôi thắc mắc trên, nếu cần giải quyết tháo gỡ thì phải làm như thế nào, đến cơ quan nào? Rất mong nhận được hồi âm sớm. Xin cảm ơn Luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 10 Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở cấp xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định về phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, theo đó: Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân), cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20%.

 

Điều kiện được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung quy định trong Nghị định 204/2004/NĐ-CP và nghị định 92/2009/NĐ-CP như sau:

 

Công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo từ sơ cấp trở lên phù hợp với chuyên môn của chức danh đảm nhiệm, thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại Bảng lương số 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong trong cơ quan nhà nước), bảng lương số 4(Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

 

Mức phụ cấp như sau:

 

A1) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch từ loại A0 đén loại A3 của bảng 2, bảng 3, các chức danh xếp lương theo bảng 7 và các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ 4 trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

 

A2) các đối tượng xếp lương theo các ngạch loại B, loại C của bảng 2, bảng 3 và nhân viên thừa hành,phục vụ xếp lương theo bảng 4: Sau 2 năm (đủ 24 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc cuối cùng trong ngạch đó; từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

 

b) Các đối tượng quy định tại điểm a (a1 và a2) khoản 1 Điều này, nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bỉ kỷ luật trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bị bãi nhiệm thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật kéo dài thêm thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung 1 năm (đủ 12 tháng) so với quy định.

 

c) Phụ cấp thâm niên vượt khung được dùng để tính đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

 

Như vậy, khi bạn là công chức Văn phòng kiêm nhiệm thủ quỹ tại UBND cấp xã thì bạn sẽ được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh bằng 20% số lương hiện hưởng cộng thêm phụ cấp thâm niên vượt mức (nếu có) bên cạnh mức lương chính.

 

Thực tế về việc kiêm nhiệm chức danh hiện nay cũng còn nhiều bất cập như bạn nói, một người có thể kiêm nhiệm thêm nhiều chức danh khác nhau nữa sẽ khó đảm bảo được hiệu quả công việc, không đảm bảo tính chuyên trách còn chưa kể đến các yếu tố khác phát sinh: mức lương không đáp ứng được với tính chất công việc phải làm, vấn đề sức khỏe.... Cũng rất mong các nhà làm luật có những quy định rõ ràng hơn về vấn đề này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Việc kiêm nhiệm công tác thủ quy đối với công chức cấp xã. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Trịnh Hoa - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo