Nguyễn Thị Lan Anh

Tự ý bỏ việc công ty có trả sổ BHXH cho người lao động không?

Trách nhiệm trả sổ BHXH được pháp luật quy định như thế nào? Trường hợp nào thì người sử dụng lao động buộc phải thực hiện nghĩa vụ trả sổ BHXH? Tự ý bỏ việc công ty có trả sổ BHXH cho người lao động không? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn về trách nhiệm trả sổ BHXH:

Trả số BHXH là trách nhiệm của người sử dụng lao động sau khi quan hệ lao động chấm dứt. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng lao động không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ này. Vậy, khi rơi vào trường hợp này, người lao động phải xử lý như thế nào? Để đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề này, bạn cần có những am hiểu nhất định về pháp luật để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian hoặc khả năng để tìm hiểu đầy đủ các quy định pháp luật liên quan. Vì vậy, nếu bạn chưa có đủ kiến thức pháp lý về vấn đề nói trên, bạn có thể liên hệ tới Luật Minh Gia thông qua các hình thức như sau:

- Gọi điện thoại tới số tổng đài 1900.6169

- Gửi tới địa chị mail:  luatsu@luatminhgia.vn

- Tư vấn trực tiếp tại văn phòng: Số 218 đường Hoàng Ngân (Dãy sau), Trung Hòa, Cầu Giấy, TP Hà Nội 

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi về trường hợp công ty không trả sổ BHXH do người lao động tự ý bỏ việc. 

2. Luật sư tư vấn trường hợp công ty không trả sổ BHXH do người lao động tự ý bỏ việc:

Nội dung tư vấn: Sau khi làm việc với BHXH tỉnh Tuyên Quang đề nghị được xem xét thời gian tham gia công tác của 12 năm trước khi nghỉ, tôi được trả lời là do tự ý bỏ việc nên thời gian công tác để tính BHXH chỉ được tính từ thời gian được gọi trở lại công tác (tháng 9 năm 1994 đến 01 tháng 10 năm 2014). Nhưng trên thực tế, tôi có đơn xin nghỉ 01 lần ngày 15 tháng 3 năm 1992, đơn được thủ trưởng cơ quan khi đó xác nhận và đóng dấu. Trước khi làm đơn tôi có thời gian nghỉ ốm và nghỉ con ốm từ tháng 9 năm 1991,( nội dung này cũng được thủ trưởng cơ quan xác nhận trong đơn xin nghỉ một lần của tôi). Tôi đã phải nghỉ tới 06 tháng để chữa bệnh cho con và cho bản thân, sau đó tôi xác định không thể tiếp tục công tác được nữa vì hai mẹ con tôi ốm đau triền miên, tôi quyết định viết đơn xin nghỉ một lần. Nộp đơn xong cũng không có cấp nào giải quyết hoặc trả lời, vậy tôi không thể cứ tiếp tục đi làm mà chờ đợi kết quả giải quyết của cấp trên, thời gian tôi nghỉ chữa bệnh cho con và bản thân, tôi không được hưởng lương và cũng không có bất kì hình thức kỉ luật nào của ngành. Sau 03 năm, tôi được gọi trở lại công tác với giấy gọi có ghi "đã bỏ việc" từ tháng 9 năm 1991. Cũng từ giấy báo này mà BHXH huyện và tỉnh khi xem xét hồ sơ của tôi đã kết luận là tôi tự ý bỏ việc và không tính thời gian công tác trước khi nghỉ việc của tôi. Xin hỏi luật sư, trường hợp trên tôi có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ không? Và trường hợp công ty lấy lý do tôi tự ý bỏ việc để không trả sổ BHXH cho tôi thì tôi có thể yêu cầu cơ quan nào giải quyết?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, xác định thời gian làm việc của bạn vào năm 1992 có được tính hay không?

Cơ quan BHXH xác định thời điểm thôi việc của bạn là vào năm 1991, nhưng trên thực tế bạn vẫn đi làm vào năm 1992 nhưng thời gian nghỉ nhiều do con bạn ốm và bản thân bạn ốm. Bạn cần về lại cơ quan cũ để xác nhận lại thời gian làm việc thực tế của bạn tại đơn vị trong năm 1992 là bảo lâu và có đóng BHXH hay không? Theo đó, nếu thời gian làm việc còn lại trong năm 1992 của bạn tại công ty vẫn được tính vào thời gian tham gia BHXH của bạn. Cơ quan BHXH không có thẩm quyền tự ý hủy thời gian tham gia BHXH của người lao động và cũng không có quy định nào về việc người lao động tự ý bỏ việc hay đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì thời gian đóng BHXH sẽ không được tính. Do vậy, việc cơ quan BHXH lấy lý do bạn tự ý bỏ việc để không cộng khoảng thời gian bạn đóng BHXH vào năm 1992 là không phù hợp với quy định của pháp luật. 

Thứ hai, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. 

 ​Theo như thông tin bạn cung cấp: Bạn xin nghỉ việc với lý do con của bạn và bản thân bạn ốm đau triền miên, không có điều kiện để tiếp tục thực hiện công việc trên. Đơn xin nghỉ việc này là hoàn toàn hợp pháp, căn cứ theo Điểm d Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động.

“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

...

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

...”

Mặt khác, theo như thông tin bạn nêu trên, chúng tôi hiểu HĐLĐ giữa bạn và đơn vị bạn đang công tác là HĐLĐ không xác định thời hạn. Theo đó, Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động quy định:

“3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”

Như vậy, trong trường hợp trên bạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải đảm bảo thời hạn báo trước (45 ngày) cho người sử dụng lao động.

Pháp luật quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ tại Điều 47, cụ thể như sau:

"1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán."

Theo quy định trên, khi bạn chấm dứt HĐLĐ đơn vị có trách nhiệm chốt và trả sổ bảo hiểm cho người lao động. Do vậy bạn cần liên hệ trực tiếp với phía đơn vị để giải quyết vấn đề này. Trường hợp đơn vị không giải quyết, bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chủ quản của đơn vị đó. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tự ý bỏ việc công ty có trả sổ BHXH cho người lao động không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng
CV: Thu Hưởng – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo