Hoàng Tuấn Anh

Tư vấn xác định tài sản chung của vợ chồng khi li hôn

Thưa luật sư, tôi đang có một vấn đề về tài sản, kính mong luật sư giúp đỡ. Kính thưa luật sư, gia đình tôi có mảnh đất trông cây lâu năm và đất thổ cư của ông bà lúc xưa để lại, nhưng lúc đó mảnh đất của gia đình tôi chưa có giấy quyền sử dụng đất, đến năm 2007 tôi có vợ và có một đứa con sống chung nhà cùng với bà mẹ già

 

Đến năm 2014 do gặp chuyện khó khăn về kinh tế nên mẹ tôi kêu tôi làm giấy quyền sử dụng đất để có tài sản thế chấp làm ăn, lúc đó tôi mới đi lên ủy ban huyện làm các thủ tục để được cấp giấy quyền sử dụng đất, vì mẹ tôi già yếu nên kêu tôi đứng tên quyền sử dụng đất, nhưng lúc làm thủ tục cấp giấy cho có quy định cước từ tài sản riêng, nên cán bộ làm thủ tục cấp giấy quyền sử dụng đất mang tên cả hai vợ chồng tôi, đến năm 2015 nhà nước hỗ trợ cho mẹ tôi số tìên 50 triệu đồng để xây dựng lại căn nhà đang ở vì mẹ tôi đang là người có công với cách mạng nên được nhận số tiền chính sách trên. Đến tháng 9 năm 2016 tôi và vợ tôi sống với nhau không hạnh phúc thường xuyên cãi vã nhau, nên tôi làm đơn ly hôn và đang chờ tòa án giải quyết. Tôi xin hỏi khi ly hôn phần tài sản đất trồng cây lâu năm và đất thổ cư và căn nhà tôi đang sống cùng với mẹ già không cần phải phân chia tài sản có đúng không? còn những vật dụng tủ bàn ghế, phương tiện xe moto khi chúng tôi sống chung tạo ra được nên phải phân chia có đúng vậy không? Còn tài sản liên quan đến đất và gắn liền với đất có xem là tài sản của ông bà và mẹ tôi được không? 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh gia, trường hợp này chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, xác định quyền sử dụng đất có bị đem chia khi ly hôn hay không. Quyền sử dụng đất nông nghiệp và đất ở có thể được xác định là tài sản chung theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó:

 

“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân” và “tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”.

 

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hai vợ chồng anh, được cấp trong thời gian hai người là vợ chồng là tài sản chung hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân. Do quyền sử dụng đất là tài sản chung nên theo Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 sẽ được chia đôi nếu anh chị không có thỏa thuận khác.  

         

Nếu anh muốn chứng minh quyền sử dụng đất không phải là tài sản chung, anh cần chứng minh nguồn gốc của đất là do ông bà để lại cho mẹ và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cả hai vợ chồng anh là do cán bộ cấp sai đối tượng quyền sử dụng đất, nhằm vô hiệu hiệu lực pháp lý của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời chứng minh mẹ anh là người có quyền sử dụng đất. Như thế quyền sử dụng đất nông nghiệp và đất thổ cư sẽ là tài sản riêng của mẹ anh và không bị đem ra chia khi hai anh chị ly hôn. Việc chứng minh có thể dựa vào giấy tờ trước khi anh tiến hành xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các chứng từ ghi nhận việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với mảnh đất của mẹ anh. Tuy nhiên, việc chứng minh sẽ khó khăn trong trường hợp này.   

 

Thứ hai, về các tài sản như bàn ghế, phương tiện đi lại theo như anh đã mô tả là tài sản chung của hai vợ chồng, căn cứ theo Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình nêu trên. Do đó nếu không có thỏa thuận của hai vợ chồng anh, số tài sản chung này sẽ được chia đôi. Tuy nhiên, khi phân chia tài sản chung tòa án còn tính đến các yếu tố sau:

 

“a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

 

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

 

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

 

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”

 

Về tài sản gắn liền với đất, do anh không nêu rõ nguồn gốc căn nhà từ đâu nên cần phải xem trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi tên ai là chủ sở hữu. Nếu mẹ anh đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì căn nhà và tài sản gắn liền với mảnh đất thuộc quyền sở hữu của mẹ anh. Do đó sẽ không đem chia khi anh chị ly hôn. Trường hợp cả anh và chị cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất mà anh không chứng minh được đây là tài sản riêng của anh hoặc tài sản của mẹ anh thì căn nhà vẫn được xem là tài sản chung của vợ chồng và vẫn được đem ra chia.   

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn xác định tài sản chung của vợ chồng khi li hôn . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Chu Hoàng Hải - Công ty luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo