Nguyễn Thu Trang

Tư vấn về trường hợp công ty điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động?

Tư vấn về trường hợp công ty điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, và việc giải quyết vấn đề đó như thế nào?

 

Câu hỏi tư vấn: Kính gửi: Công ty Luật Minh GiaTôi có vấn đề cần sự tư vấn, nhờ luật Minh Gia giúp đỡ:Vợ tôi đang làm kế toán tại một công ty (thời gian công tác hơn 5 năm) ký hợp đồng không xác định thời hạn,Hiện tại, công ty triển khai hệ thống ERP nên cắt giảm nhân sự các phòng ban.Trường hợp vợ tôi đang chăm con nhỏ 6 tháng, công ty sắp xếp chuyển qua bộ phận khác (KCS) không thuộc chuyên môn, lương giảm nhiều, phải tăng ca ngày thường và chủ nhật nên vợ tôi không đồng ý,Nhân sự công ty lại nói qua chi nhánh khác (cũng của tập đoàn) để phỏng vấn vị trí kế toán, nếu được thì làm không được thì tính sau,Tiền lệ ở công ty này không đuổi nhân sự vì không muốn bồi thường cho người lao động nên hay điều chuyển người lao động đi một tỉnh xa (vì tập đoàn có chi nhánh khắp cả nước). Vậy nếu vợ tôi không đi phỏng vấn, nhân sự làm điều chuyển vợ tôi cũng không thể đi thì sẽ giải quyết như thế nào,Nếu vợ tôi vẫn tiếp tục ở lại thì công ty có lý do gì để đuổi không? (vợ tôi không vi phạm kỷ luật hay bất cứ vấn đề gì),Vợ tôi đã đề xuất tự viết đơn cuối tháng nghỉ việc và công ty hỗ trợ tiền thôi việc để chờ tìm việc mới nhưng công ty không chịu,Nhờ Luật Minh Gia tư vấn giùm xem chúng tôi phải làm gì trong trường hợp này

 

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh gia, trong trường hợp này, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo khoản 3, Điều 31 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động :

 

Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

 

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

 

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

 

3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

 

Việc điều chuyển ở công ty chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật, đồng thời việc điều chuyển này vẫn phải đảm bảo những quyền lợi của người lao động như tiền lương hay thời giờ làm việc. Nhưng do lương công ty trả cho vợ bạn khi làm việc không thuộc chuyên môn, lương giảm nhiều, phải tăng ca ngày thường và ngày chủ nhật. Vợ bạn cần làm đơn kiến nghị lên công ty về việc trả lương sao cho phù hợp với quy định của pháp luật được nêu ở trên.

 

Bên cạnh đó, cần xem xét quy định tại Điều 155 - Bộ luật lao động 2012 như sau:

 

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

 

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

 

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

 

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

 

Theo đó nếu vợ bạn thuộc đối tượng nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì công ty không được yêu cầu vợ bạn làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ hay đi công tác xa. 

 

 Nếu vợ bạn tiếp tục ở lại công ty thì công ty không có lí do để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012

 

Trong trường hợp vợ bạn đã đề xuất tự viết đơn cuối tháng nghỉ việc và công ty hỗ trợ tiền thôi việc để chờ tìm việc mới nhưng công ty không chịu. Ở đây căn cứ vào khoản 3, Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

 

“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”

 

Kết hợp với Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về Trợ cấp thôi việc thì vợ bạn có đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc.

 

Vì vậy, vợ bạn cần viết đơn gửi đến công ty xin thôi việc biết trước ít nhất 45 ngày. Nếu công ty không chịu thì bạn có thể gửi đến Tòa án nhân dân bởi nó liên quan trực tiếp giải quyết tranh chấp trong lao động

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Nguyễn Hồng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo