Luật sư Vũ Đức Thịnh

Tư vấn về trợ cấp thôi việc và trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc

Kính gửi: CÔNG TY LUẬT MINH GIA. Qua tham khảo trên trang web luatminhgia.com.vn về tư vấn một số trường hợp về luật lao động tôi có một số ý kiến thắc mắc như sau xin nhờ Công ty luật Minh Gia tư vấn để tôi am hiểu hơn:


Ông Nguyễn Văn A sinh tháng 2 năm 1956, công tác trong nghành giáo dục từ năm 1975 là giáo viên tiểu học, đến năm 1985 được điều về làm kế toán Công ty S, đến năm 2000 chuyển đổi cổ phần hóa thành Công ty CP SBL.
Ngày 15/10/2015 ông A làm đơn xin nghỉ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì Công ty có trợ cấp thôi việc theo thời gian công tác mỗi năm ½ tháng lương cho ông A không?
a/ Trường hợp người SDLĐ ký đơn chấp thuận cho ông A.
b/ Trường hợp người SDLĐ không chấp thuận thì sau 45 ngày ông A vẫn nghỉ việc đúng theo luật.
c/ Nếu trả tiền trợ cấp thôi việc thì cách tính ra sao? Vì trừ tiền doanh nghiệp tham gia BHTN cho ông A từ năm 2009 đến nay chẳng là bao. Nếu phải chi trả 20 tháng lương trợ cấp cho ông thì doanh nghiệp gặp khó khăn vì số tiền quá lớn:
* Tiền trợ cấp = (5,6 X 1.450.000) X 20 = 162.400.000đ
* Nếu ông A làm việc đến tháng 02/2016 được nghỉ hưu thì doanh nghiệp chỉ trả 32.480.000đ và không phải tuyển và trả lương cho 01 nhân viên mới 4 tháng.
d/ Nếu luật LĐ qui định như câu c nêu trên thì ông A có lợi và doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
đ/ Theo tôi thì khi người lao động đơn phương xin nghỉ việc chấm dứt hợp đồng thì không được hưởng trợ cấp thôi việc theo Luật việc làm 38/2013QH13 vậy có đúng không? Mong CÔNG TY LUẬT MINH GIA tận tình giải đáp để tôi được rõ. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Thứ nhất, điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

Tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động 2012 có quy định như sau:

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.”

Theo quy định trên, trường hợp người lao động có đơn xin thôi việc mà người sử dụng lao động đồng ý hoặc người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật thì sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc.

- Thứ hai, về trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc

Tại Khoản 2 Điều 38 Nghị định 05/2015/NĐ-CP Nghị định hướng Bộ luật lao động 2012 có quy định như sau:

"Điều 38. Quy định chuyển tiếp

2. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước khi chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động đã làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước trước đó.”

Như vậy, công ty CP SBL sẽ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc cho mình và thời gian người lao động đã làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước trước đó.

- Thứ ba, về cách tính trợ cấp thôi việc

Theo quy định tại Điều 48 BLLĐ thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Mỗi năm làm việc được hưởng một nửa tháng tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Theo đó, trợ cấp thôi việc sẽ được tính theo quy định trên.

- Thứ tư, về chi phí mà doanh nghiệp đã chi trả trợ cấp thôi việc

Các chi phí này sẽ được đưa vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp để khẩu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Thứ năm, về điều kiện hưởng, mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thôi việc

Về trợ cấp thôi việc Luật việc làm 2013 sẽ không điều chỉnh mà sẽ do Bộ luật lao động 2012 điều chỉnh.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về trợ cấp thôi việc và trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
Luật gia: Vũ Đức Thịnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo