Luật sư Vũ Đức Thịnh

Tư vấn về thôi việc và các vấn đề liên quan

Tôi đã làm việc cho công ty nước ngoài bắt đầu làm việc là 12/05/2014, sau khi thử việc 2 tháng và công ty đã ký HĐLĐ với mức lương ký HĐLĐ là 14,000,000 VNĐ (mức lương này công ty căn cứ đóng BHXH + BHYT + BHTN) từ ngày 12/07/2014 đến 12/07/2015 (loại HĐLĐ 12 tháng). Sau khi làm việc đủ 12 tháng và đến thời hạn phải ký lại HĐLĐ là ngày 12/07/2015.



Và tôi vẫn làm việc bình thường và không có bất kỳ những sai phạm nào, và cũng không có bất kỳ ngày thông báo trước nào từ công ty là không ký tiếp HĐLĐ nhưng đến mãi 30/07/2015 công ty lại đưa ra phiếu đánh giá tôi và nói không ký tiếp HĐLĐ. Như vậy công ty có vi phạm HĐLĐ với người lao động?
Xin hỏi VP luật sư tư vấn giúp tôi là:
1/ Trong trường hợp này tôi có được hưởng tiền trợ cấp thôi việc không? Với mức là bao nhiêu?
2/  Từ sau ngày 30/07/2015 tôi đã mất việc đến nay 2 tháng 20 ngày nhưng công ty vẫn chưa chốt và trả sổ BHXH lại cho tôi (mặc dù nhiều lần tôi có gọi điện thoại hỏi để lấy sổ BHXH nhưng công ty nói chưa chốt sổ với BHXH tỉnh). Như vậy tôi phải làm gì để lấy sổ? Và thời gian bao lâu tôi mới được hưởng BHXH một lần nếu tôi không tiếp tục làm việc cho các công ty nữa mà tôi ở nhà kinh doanh buôn bán?
3/ Đến nay tôi vẫn chưa tìm được việc làm, vậy tôi có được đăng ký để hưởng BH thất nghiệp hay không và đăng ký ở đâu?
Xin chân thành cám ơn và tư vấn đầy đủ giúp tôi.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Thứ nhất, việc gia hạn hợp đồng lao động khi hết hạn

Tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động 2012 có quy định như sau:

“2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.”


Theo đó, sau khi hết hạn hợp đồng HĐLĐ thì trong thời hạn 30 ngày mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì hai bên sẽ phải tiến hành ký kết HĐLĐ mới. Nếu sau 30 ngày mà hai bên không ký kết HĐLĐ mới thì đối với HĐLĐ xác định thời hạn sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.

- Thứ hai, về trợ cấp thôi việc

Tại Điều 48 Bộ luật lao động 2012 có quy định như sau:

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”


Như vậy, trợ cấp thôi việc sẽ được hưởng theo quy định trên.

- Thứ ba, về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ

Tại Điều 47 Bộ luật lao động 2012 quy định:

“Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”


Trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện đúng trách nhiệm của mình thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại đến ban giám đốc công ty, hoặc tại Phòng Lao động - Thương binh và xã hội nơi công ty có trụ sở để được giải quyết.

- Thứ tư, về chế độ bảo hiểm xã hội một lần

Tại Điểm c Khoản 1 Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội 2006 có quy định:

“Điều 55. Bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:


c) Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;”

Về mức hưởng BHXH một lần, tại Điều 56 Luật BHXH 2006 quy định: “Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.”


- Thứ năm, về chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Tại Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

“Điều 49. Điều kiện hưởng

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

…”


Về thời điểm đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tại Khoản 1 Điều 46 Luật việc làm quy định:

“Điều 46. Hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.”


Như vậy, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ thì người lao động phải nộp hồ sơ hưởng BHTN tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về thôi việc và các vấn đề liên quan. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
Luật gia: Vũ Đức Thịnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo