Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Trước khi bị sa thải làm lái xe tại xí nghiệp xe X. Tôi bị đơn vị sử lý kỷ luật với hình thức sa thải cụ thể như sau: vào tháng 9 /2013 gia đình tôi có việc trong miền nam tôi có làm đơn báo cáo, trình bày với lãnh đạo xí nghiệp xin nghỉ không hưởng lương thời gian là 04 tháng từ tháng 9/2013 đến tháng 12/ 2013 nhưng do điều kiện công việc tôi đã nghỉ thêm 02 tháng đến tháng 2/2014 mà không xin phép đơn vị.

 

Khi tôi xong việc gia đình trong nam và trở  lại đơn vị thì đơn vị có thông báo rằng tôi tụ ý bỏ việc và xử lý kỷ luật tôi với hình thức sa thải theo khoản 3 điều 125. Hình thức theo khoản 3 điều 126 luật lao động 2012 mà không tiến hành thủ tục xử lý kỷ luật theo điều 123 luật lao động 2012 trong quá trình xử lý kỷ luật không có họp, lập biên bản mà chỉ có gọi tôi lên phòng ông phó giám đốc xí nghiệp và ký giấy sa thải và bây giờ tôi mới biết là mình bị sử lý kỷ luật sa thải không đúng theo trình tự xử lý kỷ luật lao động điều 123 luật lao động 2012 . Vậy tôi có thể làm đơn khởi kiện ra tòa được không vì thời gian tôi bị sa thải cũng lâu rồi.

 

Quy định thế nào mong luật sư tư vấn, xin cảm ơn chuyên gia tư vấn luật 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ theo Điều 126 bộ luật lao động năm 2012 quy định về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.

 

“Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

 

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

 

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;

 

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.”

 

Do đó, anh nghỉ việc hai tháng không xin phép mà không xin phép, không có lý do chính đáng thì căn cứ theo khoản 3 Điều 126 anh sẽ bị xử lý kỷ luật với hình thức sa thải.

 

Căn cứ Điều 123 thì việc xử lý lỷ luật sa thải phải tuân thủ nguyên tắc, trình tự sau đây:

 

"a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

 

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

 

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới
18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;


 

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản."

 

Như vậy, công ty khi xử lý kỉ luật lao động thì ngoài việc phải chứng minh được lỗi, còn cần phải có sự tham gia của người lao động và việc xử lý kỉ luật cần phải được lập thành biên bản. Khi thực hiện sa thải công ty phải thực hiện theo đúng trình tự thủ tục được quy định tại điều 123 Bộ luật lao động năm 2012. Công ty ra quyết định sa thải bạn như vậy là không đúng theo trình tự, quy định của pháp luật.

 

Tại Điều 132 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thoả đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định”.

 

Như vậy, bạn có thể gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra lao động hoặc ban chấp hành công đoàn cơ sở để được giải quyết.

 

Hoặc bạn có thể gửi đơn đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân đó là Hòa giải viên lao động hoặc Tóa án nhân dân (Điều 200 Bộ luật Lao động 2012)

 

Về thời hiệu yêu cầu giải quyết (Điều 202 Bộ luật Lao động 2012):

 

-  Đối với Hòa giải viên: là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

 

-  Đối với Tòa án: là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
 

Như vậy, thời hiệu yêu cầu giải quyết đối với hòa giải viên là 6 tháng, Tòa án là 1 năm kể từ  ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động của bạn được tính từ ngày bạn nhận được quyết định sa thải. Bạn nhận quyết định sa thải vào tháng 2 năm 2014, đến nay đã được hơn 2 năm nên đã hết thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Do đó, bạn không thể yêu cầu hòa giải viên lao động hoặc khởi kiện ra Tòa án về quyết định sa thải do đã hết thời hiệu yêu cầu giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo