LS Thanh Hương

Tư vấn về đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khi chưa đủ năm đóng bảo hiểm

Luật sư tư vấn về thủ tục đóng bảo hiểm tự nguyện khi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm để hưởng lương hưu hàng tháng đối với viên chức như sau: Tôi muốn hỏi, Chị tôi là viên chức thuộc Trung tâm dân số huyện, năm nay chị tôi 50 tuổi, tính đến 55 tuổi thì công tác được 15 năm 6 tháng. Sau khi nghỉ hưu, chị tôi có được đóng bảo hiểm xã hội tiếp cho đủ 20 năm để sau này có lương hưu không? Quy định và thủ tục thế nào mong luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn.

 

>> Giải đáp thắc mắc về tham gia bảo hiểm xã hội, gọi: 1900.6169

 

Tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau:

 

“Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu

 

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

 

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

 

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

 

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

...

3. Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.

...”

 

Như vậy, có thể thấy chị gái bạn chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí. Để có thể được hưởng chế độ hưu trí, chị gái bạn có thể lựa chọn giải pháp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với hình thức đóng hằng tháng, đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điều 9 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

 

“Điều 9. Phương thức đóng theo quy định tại Điều 87 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

 

1. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

 

1.1. Đóng hằng tháng;

 

1.2. Đóng 03 tháng một lần;

 

1.3. Đóng 06 tháng một lần;

 

1.4. Đóng 12 tháng một lần;

 

1.5. Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

 

1.6. Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.”

 

Nếu lựa chọn hình thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chị gái bạn có thể chuẩn bị hồ sợ giấy tờ theo quy định tại Điều 24 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

 

“Điều 24. Đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH

 

1. Thành phần hồ sơ:

 

1.1. Người tham gia: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

 

1.2. Đại lý thu/Cơ quan BHXH (đối với trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS).

 

2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.”

 

Hồ sơ được gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi chị gái bạn đang cư trú.

 

Trân trọng.

Chuyên viên Khánh Linh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo