Hoàng Thị Nhàn

Tư vấn về chế độ và thủ tục tham gia BHXH tự nguyện

Chào văn phòng luật, nhờ giải đáp giúp về bảo hiểm xã hội như sau: Chồng tôi làm ở công ty tư nhân có tham gia đóng bảo hiểm hàng năm nhưng hai năm gần đây công ty làm ăn thua lỗ nên không đóng bảo hiểm tiếp. Nay tôi muốn đóng bảo hiểm tự nguyện tiếp cho chồng đến khi được thời gian đóng bảo hiểm là 20 năm.

 

Tôi cần làm thủ tục như thế nào để thực hiện điều này và đóng ở đâu? Nếu sau khi đóng được 20 năm tôi muốn dừng chờ đến khi chồng tôi được 60 tuổi để về hưu theo quy định. Xin hỏi có văn bản pháp luật nào quy định về việc chờ để về hưu như thế không và thủ tục làm điều này như thế nào? Đến khi đủ tuổi về hưu làm thủ tục như thế nào và gửi cơ quan nào để được về hưu?

 

>> Giải đáp thắc mắc về Bảo hiểm xã hội, gọi: 1900.6169

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Tại Điều 2 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

 

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.

 

2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện.”.

 

Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể như sau:

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:

 

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;

 

b) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;

 

c) Người lao động giúp việc gia đình;

 

d) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

 

đ) Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

 

e) Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

 

g) Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

 

h) Người tham gia khác.

 

Các đối tượng quy định trên sau đây gọi chung là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

Như vậy, theo quy định trên thì chồng bạn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

Tại Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

 

Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

 

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

Trong đó: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 là 700.000 đồng/người/tháng. Còn mức lương cơ sở hiện nay theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP là 1.390.000 đồng.

 

– Phương thức đóng BHXH tự nguyện được quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:

 

+) Đóng hằng tháng;

 

+) Đóng 03 tháng một lần;

 

+) Đóng 06 tháng một lần;

 

+) Đóng 12 tháng một lần;

 

+) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

 

+) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

 

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 97 của Luật bảo hiểm xã hội 2014:

 

” Điều 97. Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội

 

1. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:

 

b) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.”

 

Điều luật trên được hướng dẫn cụ thể tại Điều 24 Quyết định 595/QĐ- BHXH như sau:

 

“Điều 24. Đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH

 

1. Thành phần hồ sơ:

 

1.1. Người tham gia: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

 

1.2. Đại lý thu/Cơ quan BHXH (đối với trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS).

 

2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ”.

 

Như vậy, để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bạn cần điền tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH theo mẫu TK1-TS và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú.

 

Khi đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội, chồng bạn có thể dừng đóng và bảo lưu thời gian 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, khi đủ tuổi hưởng lương hưu thì nộp hồ sơ tại Cơ quan bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

 

Điều 108. Hồ sơ hưởng lương hưu

 

2. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội gồm cả người đang chấp hành hình phạt tù bao gồm:

 

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

 

b) Đơn đề nghị hưởng lương hưu;

 

c) Giấy ủy quyền làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu đối với người đang chấp hành hình phạt tù;

 

d) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối với trường hợp xuất cảnh trái phép;

 

đ) Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp người mất tích trở về.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về chế độ và thủ tục tham gia BHXH tự nguyện. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phương Lan – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo