Trần Tuấn Hùng

Tư vấn về chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp khi phục viên

Luật sư tư vấn, giải đáp thắc mắc về chế độ khi quân nhân chuyên nghiệp phục viên và việc mua cổ phần ưu đãi của Công ty sau khi phục viên. Nội dung tư vấn như sau:

 


Kính chào Công ty Luật Minh Gia!Trước tiên cho tôi xin gửi đến toàn thể cán bộ, luật sư trong toàn Công ty Luật Minh Gia lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!Tôi sinh năm 1978 kính xin Công ty tư vấn giúp tôi vấn đề sau:Tôi nhập ngủ ngày 16/2/1998 sau đó được xuất ngủ ngày 30/6/2001.Tháng 10/2001 được Công ty Quân đội tuyển tôi vào làm việc. Đến ngày 01/6/2003 Công ty mới tiến hành đóng BHXH cho tôi.Tháng 12/2010 tôi được chuyển từ Hợp đồng không xác định thời hạn sang Công nhân viên Quốc phòng (CNVQP).Tháng 10/2011 tôi được chuyển từ CNVQP sang Quân nhân chuyên nghiệp cho đến bây giờ. Hiện tại tôi đang mang cấp quân hàm Thượng úy chuyên nghiệp (Loại, nhóm, ngạch: SC1; Bậc: 6/10; Hệ số: 4,45. HS bảo lưu triệt tiêu: 0,02).Công ty tôi hiện tại là Công ty TNHH MTV của Quân đội, chuẩn bị chuyển sang Công ty Cổ phần cuối năm 2017.Như bản thân tôi đến đầu năm 2018 tôi xin ra quân (thôi phục vụ tại ngũ) thì chế độ của tôi được giải quyết cụ thể như thế nào, ra sao? Bây giờ Công ty tôi đang bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, nếu tôi không mua thì sao, còn mua thì sao khi tôi xin ra quân, có ảnh hưởng gì không? Và nếu sau này tôi có điều kiện xin chuyển đơn vị thì có ảnh hưởng gì không? Kính xin Quý Công ty Tư vấn giải thích giùm tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! Kính chào!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của anh như sau:

 

Thứ nhất, nếu vào năm 2018 mà anh xin nghỉ thì chế độ với anh như thế nào?

 

Căn cứ Khoản 3 Điều 40 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng 2015:

 

“3. Quân nhân chuyên nghiệp phục viên:

 

a) Được trợ cấp tạo việc làm, trợ cấp phục viên một lần; được bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;

 

b) Đủ 15 năm phục vụ tại ngũ trở lên, khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở quân y theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

 

c) Được ưu tiên cộng điểm trong thi tuyển công chức, viên chức;

 

d) Được hưởng chế độ, chính sách quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.”

 

Điều 4. Chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp phục viên, Nghị Định 151/2016/NĐ-CP hướng dẫn Khoản 3, Điều 40 như sau:
 

“Chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp phục viên theo điểm a, c khoản 3 Điều 40 của Luật, được quy định như sau: 

1. Được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm phục viên; được hỗ trợ đào tạo nghề hoặc giới thiệu việc làm tại các tổ chức giới thiệu việc làm của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức kinh tế - xã hội khác. 

2. Được hưởng trợ cấp phục viên một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi phục viên. 

3. Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội. 

4. Được ưu tiên cộng điểm trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; hoặc được ưu tiên khi xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.”

 

Như vậy, khi xin nghỉ vào năm 2018 thì anh sẽ được hưởng các chế độ như được trợ cấp tạo việc làm 06 tháng tiền lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay là 1 300 000 đồng), được đào tạo và giới thiệu việc làm; được hưởng trợ cấp phục viên một lần, mỗi năm công tác được hưởng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi phục viên; được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được ưu tiên cộng điểm thi hoặc xét tuyển công chức. Ngoài ra còn được hỗ trợ theo Điểm c, Khoản 1, Điều 40 của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng năm 2015.

 

“c) Được chính quyền địa phương nơi cư trú tạo điều kiện ổn định cuộc sống; trường hợp chưa có nhà ở thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.”

 

Thứ hai, về việc anh thắc mắc vấn đề mua cổ phiếu ưu đãi của công ty

 

Cổ phiếu ưu đãi là loại cổ phiếu mà nếu mua thì người mua sẽ trở thành cổ đông của công ty, tuy nhiên việc mua hay không thì không bắt buộc anh có thể mua hoặc không mà không ảnh hưởng gì. Anh có thể tham khảo 3 loại cổ phần ưu đãi và quyền của các cổ đông nắm giữ các loại cổ phần tương ứng như sau:

 

“Điều 116. Cổ phần ưu đãi biểu quyết và quyền của cổ đông ưu đãi biểu quyết, Luật doanh nghiệp năm 2014

 

1. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.

 

2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền sau đây:

 

a) Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này;

 

b) Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

 

3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

 

Điều 117. Cổ phần ưu đãi cổ tức và quyền của cổ đông ưu đãi cổ tức

 

1. Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.

 

2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền sau đây:

 

a) Nhận cổ tức theo quy định tại khoản 1 Điều này;

 

b) Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản;

 

c) Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

 

3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

 

Điều 118. Cổ phần ưu đãi hoàn lại và quyền của cổ đông ưu đãi hoàn lại

 

1. Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.

 

2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

 

3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.”

 

Như vậy, việc mua cổ phiếu ưu đãi của người lao động là không bắt buộc và anh cũng có ảnh hưởng gì khi anh muốn chuyển công tác khác vì anh đang là quân nhân chuyên nghiệp thì chỉ không được phép thành lập và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tham gia quản lý công ty nhưng vẫn được phép tham gia góp vốn và trở thành cổ đông của công ty.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo