Luật sư Việt Dũng

Tư vấn trường hợp yêu cầu thanh toán tiền lương

Chào Luật sư! Tôi làm việc cho công ty A từ tháng 2/2014 đến hết ngày 20/10/2015. Nhưng không kí hợp đồng lao động. Khi tôi nghỉ việc thì công ty trốn tránh trách nhiệm thanh toán lương cho tôi mặc dù tôi đã nhiều lần gọi điện và gửi đơn đề nghị thanh toán nhưng k được trả lời. Và Lãnh đạo của công ty từ chối gặp mặt để trao đổi. Vậy xin luật sư tư vấn giúp tôi:

 

1) Trường hợp người lao động không kí hợp đồng lao động, nhưng thực tế có lao động, và bây giờ không được thanh toán lương thì pháp luật có công cụ gì để bảo vệ quyền lợi cho người lao động không? Nếu có thì nó được quy định tại khoản nào? Luật nào? Xin luật sư trích dẫn.

 

2) Tôi có bằng chứng chứng minh đầy đủ là tôi có tham gia lao động, Vậy tôi có thể nhờ đến cơ quan chức năng nào hỗ trợ để đòi lại quyền lợi cho tôi? Nếu có thì trình tự thế nào? Mong luật sư hướng dẫn.Mong sớm nhận được sự giúp đỡ từ Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn !

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

1) Trường hợp người lao động không kí hợp đồng lao động, nhưng thực tế có lao động, và bây giờ không được thanh toán lương thì pháp luật có công cụ gì để bảo vệ quyền lợi cho người lao động không? Nếu có thì nó được quy định tại khoản nào? Luật nào? Xin luật sư trích dẫn.

 

Theo Điều 16 Bộ luật lao động 2012 quy định Hình thức hợp đồng lao động thì:

 

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói”.

 

Như bạn trình bày thì bạn làm ở công ty có thời hạn từ 3 tháng trở lên do đó công ty có nghĩa vụ giao kết hợp đồng bằng văn bản với bạn. Việc công ty không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với bạn là trái với quy định của pháp luật. Hành vi này nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều Điều 5 Nghị định 88/2015/NĐ-CP của Chính Phủ sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

 

“1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

 

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

 

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

 

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

 

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

 

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.

 

Để đảm bảo quyền lợi cho mình, bạn cần yêu cầu công ty thanh toán đầy đủ tiền lương đúng hạn cho mình đồng thời công ty cũng có nghĩa vụ phải thanh toán lương cho bạn.

 

2) Tôi có bằng chứng chứng minh đầy đủ là tôi có tham gia lao động, Vậy tôi có thể nhờ đến cơ quan chức năng nào hỗ trợ để đòi lại quyền lợi cho tôi? Nếu có thì trình tự thế nào?

 

Trong trường hợp công ty không thực hiện nghĩa vụ thanh toán lương cho bạn thì bạn có quyền làm đơn gửi ra phòng Lao động, thương binh và xã hội nơi công ty có trụ sở để yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết. Nếu hòa giải không thành thì bạn có thể tiếp tục gửi đơn trực tiếp đến tòa án cấp huyện nơi công ty bạn có trụ sở để được giải quyết theo quy định tại Điều 200 BLLĐ 2012 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 như sau:

 

Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

 

1. Hoà giải viên lao động.

 

2. Toà án nhân dân.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trường hợp yêu cầu thanh toán tiền lương. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Trung Thị Quỳnh Anh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo