Trần Tuấn Hùng

Trách nhiệm bồi thường khi làm thất thoát tài sản của người sử dụng lao động?

Tư vấn về trường hợp đã có quyết định bồi thường đối với trường hợp người lao động làm thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì có cách nào để không phải bồi thường không?

 

Nội dung câu hỏi: Trước tháng 2/2017 tôi có làm thủ kho cho 1 công ty tư nhân thuốc bảo vệ thưc vật. Hợp đồng đến tháng 10/2018 mới chấm dứt. Tôi là người làm công ăn lương. Đến mùng 4 tết Nguyên Đán 2018 ( ngày 19/2/2018 dương lịch), tôi nhờ em trai đem chìa khóa kho xuống công ty đưa chìa khóa mở kho để cúng đầu năm nhưng giám đốc không nhận do tôi bị tiêu chảy 4 ngày mới hết bệnh. Đến ngày 21/2/2018 dương lịch thì công ty tự ý mở kho kiểm kê không có mặt của tôi và cho biết thất thoát lên đến 40 triệu bắt tôi đền. Từ hôm đó tôi nghĩ luôn (chấm dứt hợp đồng lao động với công ty). Trước đó tôi có làm thất thoát hàng hóa và đã trả được 2/3 số tiền đó rồi( trừ vào lương hàng tháng). Giờ do hoàng cảnh khó khăn, chưa có nhà ở (ở chung với cha mẹ đẻ và có con được 6 tháng tuổi), nên tôi trả chưa xong, còn hơn 9 triệu đồng trong giấy tờ tôi đã ký. Giờ thưa luật sư có cách nào hướng dẫn cho tôi để không hoàn trả số tiền đó không. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 130 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về bồi thường thiệt hại:

 

”1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.”

 

Điều 131 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại:

 

"1. Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.

 

2. Trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại được áp dụng theo quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này."

 

Trường hợp bạn làm thất thoát tài sản của công ty thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quyết định bồi thường của công ty. Nếu bạn thấy mức bồi thường không thỏa đáng hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể thực hiện được trách nhiệm bồi thường của mình thì có thể yêu cầu công ty xem xét mức bồi thường theo nguyên tắc bồi thường quy định tại Điều 131 Bộ luật lao động năm 2012. Trường hợp của bạn nếu hoàn cảnh quá khó khăn thì bạn có thể thỏa thuận với công ty về việc thực hiện nghĩa vụ khi có điều kiện hay giảm mức bồi thường xuống thấp hơn so với quyết định. Còn việc xảy ra vào ngày 21/02/2018 nếu công ty có căn cứ chứng minh bạn có lỗi trong việc để thất thoát tài sản của công ty thì bạn vẫn phải có trách nhiệm bồi thường.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo