Luật sư Phùng Gái

Trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng của viên chức?

Câu hỏi tư vấn: Tôi có kí kết với Sở Y Tế tỉnh A tham gia chương trình đào tạo bác sĩ. Cụ thể tôi sẽ được hỗ trợ học phí 6 năm theo học tại trường Đại học B, sau khi học xong sẽ về nhận công tác theo phân công của tỉnh với thời gian tối thiểu 5 năm. Nếu tôi không chấp thuận sẽ phải đền bù gấp 03 lần chi phí đã nhận.

 

 Sau khi ra trường tôi được phân công về làm tại trung tâm y tế huyện, nhưng do tôi sắp lập gia đình nên tôi đề nghị được đền bù hoặc xin được phân công làm gần gia đình hơn. Nay bên tỉnh yêu cầu tôi đền bù học phí 06 năm học là 168×3= 504 triệu. Nhưng hiện tại tôi chưa có đủ khả năng để hoàn trả. Tôi có đề nghị được chia ra đóng và trong khoảng thời gian lâu hơn nhưng không được chấp thuận.

 

Hiện tại bằng đại học của tôi đang bị giữ ở trường đại học và tôi phải có giấy của tỉnh mới được đến lấy. Xin luật sư tư vấn giúp tôi là tôi có được xin hoàn trả làm nhiều lần và trong thời gian dài hơn không? Và mức đền bù như vậy có đúng không ạ? Rất mong nhận được phản hồi sớm từ các luật sư. Tôi xin chân thành cám ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì bạn được cử đi tham gia đào tạo bác sĩ với thời gian đào tạo 6 năm. Tổng kinh phí là 168 triệu và sau khi đào tạo xong sẽ phải làm việc theo sự phân công của tỉnh với thời gian 5 năm. Tuy nhiên, hiện nay khi học xong bạn muốn xin nghỉ nên theo quy định của Luật viên chức năm 2010 thì bạn sẽ có trách nhiệm, nghĩa vụ hoàn trả chi phí đào tạo, bồi dưỡng mà đơn vị đã chi cho bạn trong quãng thời gian trên. Cụ thể:

 

Điều 35. Trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng

....

3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.

 

Đồng thời, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức.

 

Điều 36. Đào tạo và đền bù chi phí đào tạo

 

4. Viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:

 

a) Trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;

 

b) Viên chức hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, chứng nhận kết quả học tập;

 

c) Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

 

Ngoài ra, Thông tư 15/2012/TT-BNV hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức. 

 

Điều 16. Đền bù chi phí đào tạo

 

1. Viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP

....

Điều 17. Chi phí và cách tính đền bù chi phí đào tạo

 

1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có.

 

2. Cách tính chi phí đền bù:

....

c) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 36 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:

S = (F / T1) x (T1 - T2)

Trong đó:

- S là chi phí đền bù;

- F là tổng chi phí của khóa học;

- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;

- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn do bạn đã hoàn thành xong chương trình đào tạo và được cử làm việc tại trung tâm y tế sau đó mới nghỉ việc. Nên chi phí bồi thường đền bù của bạn sẽ được áp dụng theo điểm c, khoản 2 Điều 17 Thông tư 15/2012/NĐ- CP. Tuy nhiên, do bạn không cung cấp thời gian làm việc thực tế của bạn sau khi học xong là được bao lâu nên không tính cụ thể cho bạn được, nhưng bạn có thể đối chiếu quy định trên với trường hợp của mình để xác định chi phí đền bù phù hợp.

 

Đối với yêu cầu bồi thường của đơn vị là đền gấp ba (tức 504 triệu - thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo khi bạn vi phạm) là không phù hợp với quy định pháp luật nên điều khoản đó sẽ không được áp dụng khi phát sinh tranh chấp mà áp dụng theo quy định của luật để giải quyết (pháp luật quy định khi vi phạm hợp đồng đào tạo thì có nghĩa vụ bồi thường lại chi phí mà đơn vị đã bỏ gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học). Do đó, bạn không có nghĩa vụ bồi thường số tiền gấp 3 là 504 triệu mà đơn vị đưa ra; chỉ phải thanh toán chi phí tính dựa vào điểm c, khoản 2 Điều 17 Thông tư đã được trình bày trên.

 

Đối với việc bạn có được thanh toán thành nhiều lần và kéo dài thời gian hoàn trả chi phí đào tạo cho đơn vị hay không sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của bạn với đơn vị.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng của viên chức?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo